Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòn bẩy nào cho hộ kinh doanh?

Hồng Sơn| 13/07/2017 06:18

(HNM) - Phát triển kinh tế tư nhân, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khi hằng năm khu vực này có đóng góp cho nền kinh tế khoảng 40% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm cho xã hội.


Để chuyển đổi thành doanh nghiệp các hộ kinh doanh nhỏ cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Bá Hoạt


Vẫn sợ lên doanh nghiệp

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện Việt Nam có hơn 4,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó 3,5 triệu hộ đã có mã số thuế - đây là đối tượng cần được khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ phụ thuộc vào ý chí của cơ quan quản lý, mà còn ở niềm tin và nhu cầu phát triển của hộ kinh doanh, bởi con đường phát triển thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả chưa bao giờ dễ dàng.

Thực tế cho thấy, nếu trở thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải mở rộng quy mô hoạt động, bảo đảm về đầu ra, thuê thêm nhân công, tuyển dụng kế toán, bên cạnh yêu cầu về thông tin, kiến thức pháp luật... khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn. Mặt khác, hầu hết hộ cá thể tham gia các loại dịch vụ thương mại nhỏ lẻ nên thường xa lạ với việc áp dụng công nghệ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, chưa kể yêu cầu phải đầu tư "ra tấm ra món" để nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tìm kiếm đối tác. Điều đó có nghĩa, nếu chưa thực sự sẵn sàng, hộ kinh doanh sẽ ngại chuyển thành doanh nghiệp.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, nhìn chung các thủ tục để chuyển hộ cá thể sang mô hình doanh nghiệp không phức tạp. Tuy vậy, nhiều trường hợp còn băn khoăn, chưa quyết định là do lo ngại phát sinh thêm chi phí; hay nói cách khác là có thể các chi phí liên quan, nhất là nghĩa vụ thuế sẽ cao hơn. Các chuyên gia cũng đồng thuận với nhận định này bởi hộ cá thể vẫn được chấp thuận chế độ thuế khoán, việc khai báo rất đơn giản và cũng thường thấp hơn so với doanh nghiệp.

Về khách quan, yêu cầu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cao hơn và chặt chẽ hơn so với hộ cá thể. Một vấn đề đáng quan tâm khác là những yếu kém, tồn tại trong công tác quản lý, thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, như nạn vòi vĩnh, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp cũng là “rào cản” về tâm lý để hộ cá thể quyết định chuyển thành doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh cá thể khó có thể yên tâm khi biết những thông tin: Hơn 60% doanh nghiệp đã từng phải chấp nhận chi phí không chính thức; hay có doanh nghiệp phải tiếp trên dưới 10 đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm...

Cần sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời

Vấn đề quan trọng đặt ra là làm thế nào để khi chuyển thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể sẽ tiếp tục lớn mạnh, khẳng định được sức sống trong mô hình mới, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Trước hết, cần xác định rằng, phần lớn hộ kinh doanh cá thể khi chuyển thành doanh nghiệp sẽ có quy mô kinh doanh khiêm tốn, cùng với những hạn chế về vốn, công nghệ, trình độ, nguồn lực tổng hợp... nên sức cạnh tranh rất yếu. Vì vậy, họ rất dễ thất bại nếu phải đối diện với những biến động, thách thức và mức độ cạnh tranh trên thị trường cao; khó hồi phục nhanh sau khi gặp rủi ro. Điều này lý giải vì sao có đến hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản là những doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (số vốn dưới 10 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, khi các hộ cá thể có nhu cầu phát triển thành doanh nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt chú trọng vào việc nghiên cứu nhu cầu thị trường, xác định công nghệ và củng cố ý tưởng kết hợp với năng lực quản trị, thì doanh nghiệp vẫn thành công. Thực tế cho thấy, để tồn tại trên thương trường không nhất thiết phải là đơn vị quy mô lớn mà quan trọng hơn là đủ kiến thức và lựa chọn sản phẩm hợp lý. Thậm chí, một doanh nhân giỏi còn biết chuẩn bị phương án để sẵn sàng chuyển đổi sản phẩm hoặc đáp ứng phân khúc thị trường để thích ứng và tồn tại.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan chức năng nên tuyên truyền, làm rõ những lợi ích khi hộ cá thể tự giác chuyển đổi thành doanh nghiệp thay cho mệnh lệnh hành chính. Đồng thời, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Đặc biệt lưu ý nhu cầu của doanh nghiệp được hoạt động trong môi trường bình đẳng, minh bạch, dễ thực hiện và thiết thực như cam kết của Chính phủ.

Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Thực tế cho thấy, chính các hộ kinh doanh là lực lượng dự bị hùng hậu để hình thành các doanh nghiệp tương lai. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp luôn nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ mọi rào cản và hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, kịp thời. Việc thành công trong hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp phụ thuộc vào trách nhiệm, quyết tâm của các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong việc cụ thể hóa mục tiêu hành động của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn bẩy nào cho hộ kinh doanh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.