Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu tăng - Chìa khóa của tăng trưởng

Hồng Sơn| 21/07/2017 06:51

(HNM) - Trước quyết tâm cao của Chính phủ về việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, các lĩnh vực, ngành đang nỗ lực vào cuộc nhằm gia tăng đóng góp cho kết quả chung. Xuất khẩu gia tăng hứa hẹn kết quả khả quan cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế...

Nhóm hàng rau quả có sự bứt phá mạnh trong xuất khẩu thời gian qua. Ảnh: Thái Hiền


Đạt mức tăng cao so với kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 98 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch cũng như với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Đáng chú ý là khi xuất khẩu gia tăng sẽ giúp nền kinh tế có thêm ngoại tệ để bù đắp cho hoạt động nhập khẩu, giảm thiểu mức nhập siêu cũng như củng cố khả năng dự trữ ngoại tệ.

Gia tăng xuất khẩu cũng là biện pháp trực tiếp giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó thúc đẩy sản xuất, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm Việt và bảo đảm việc làm cho người lao động.

Nhìn chung, kết quả xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao tại hầu hết thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN... bên cạnh các thị trường nhỏ lẻ như Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi. Về cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có sự chuyển biến tích cực, với sự gia tăng tỷ trọng của nhóm hàng công nghiệp (hiện chiếm 80%), thể hiện kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Riêng nhóm hàng rau quả có sự bứt phá mạnh, đóng góp giá trị hơn 1 tỷ USD trong 6 tháng qua và hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn cho hoạt động sản xuất, chế biến các loại mặt hàng này trên phạm vi toàn quốc.

Đến nay, hàng xuất khẩu của nước ta được định hướng tập trung vào lĩnh vực, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp đến là nhóm nông sản; giảm dần tỷ trọng của nhóm tài nguyên, khoáng sản theo chỉ đạo của Chính phủ. Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng, cơ cấu hàng xuất khẩu như vậy là phù hợp, đáp ứng yêu cầu tăng tốc công nghiệp hóa và chủ động tiết giảm mức sử dụng tài nguyên.

Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch


Hàng xuất khẩu của nước ta được định hướng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Ảnh: Hải Linh


Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, từ tình hình thực tiễn cũng như theo xu hướng tốc độ tăng trưởng thường diễn ra mạnh hơn trong nửa cuối năm, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 có thể đạt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực như giày dép, đồ gỗ, điện thoại... sẽ tăng mạnh.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là với một số loại rau quả có thế mạnh, đang hấp dẫn khách tiêu dùng quốc tế, như các loại trái cây: Xoài, thanh long, vải, chôm chôm... để kết hợp tăng sản lượng nông nghiệp gắn với xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, cần quan tâm, từng bước khắc phục thực trạng lợi nhuận và giá trị gia tăng thấp của sản phẩm dệt may, da giày, hàng điện tử do các đơn vị trong nước quen làm gia công, phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện nhập khẩu. Cách làm tốt nhất là ứng phó theo hướng ngược lại, tức là đầu tư vào các công đoạn tự sản xuất và sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu trong nước; thiết kế mẫu mã; xây dựng và kết hợp phát triển thương hiệu riêng; chủ động tham gia vào chuỗi hoạt động logistics để nâng cao uy tín cũng như lợi nhuận của hàng hóa xuất khẩu.

Hiện nay, Bộ Công Thương chủ trương kêu gọi, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm xuất khẩu, đồng thời kết hợp với mục tiêu tiến tới thay thế một số loại hàng nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trước mắt là thực hiện áp dụng đối với ngành dệt may, da giày, ô tô, cơ khí.

Bộ Công Thương cũng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tập trung cung cấp thông tin thị trường cho các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, các bộ phận chức năng sẵn sàng tuyên truyền, giới thiệu nội dung một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu... trong đó nhấn mạnh những quyền lợi, ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ làm rõ các yêu cầu, quy định pháp lý của đối tác, cam kết của Việt Nam và yêu cầu kỹ thuật, an toàn sử dụng của từng mặt hàng xuất khẩu cũng như từng thị trường cụ thể. Đồng thời hợp tác, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt tình hình, chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật của nước ngoài. Bộ sẵn sàng tìm hiểu các vấn đề liên quan đến xuất khẩu, vào cuộc đàm phán để tháo gỡ các rào cản bất hợp lý từ phía đối tác quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Như vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan đang tỏ rõ quyết tâm nâng cao kim ngạch xuất khẩu đến mức tối đa, trên cơ sở phát huy thế mạnh của doanh nghiệp, hàng hóa nội địa cũng như sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu tăng - Chìa khóa của tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.