Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vướng rào cản lớn

Thanh Hải| 22/07/2017 07:36

(HNM) - Đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất ô nhiễm nghiêm trọng khỏi khu vực nội thành. Thành phố đã xác định lộ trình, phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời, tuy nhiên việc này đến nay vẫn chưa tiến triển rõ nét. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là sự vào cuộc thiếu quyết liệt của một số cấp, ngành và đơn vị liên quan.

Nhiều bức xúc

Người dân sống gần Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (số 524 đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), vẫn đang phải gánh chịu những tác động môi trường không nhỏ từ cơ sở sản xuất này. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, tổ dân phố 15A, phường Vĩnh Tuy, hằng ngày khói bụi từ công ty thải ra ảnh hưởng nhiều đến chất lượng không khí chung của cả khu vực.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (số 524 đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), nơi tập trung đông mật độ dân cư. Ảnh: Nhật Nam


“So với trước đây, mức độ ô nhiễm đã giảm đi nhiều vì công ty đã di dời một phần dây chuyền sản xuất. Song, nhiều lúc người dân vẫn khổ bởi bụi than, bồ hóng, bụi vải... Ngày bình thường còn đỡ, khi thay đổi thời tiết, trời trở gió, mùi khó chịu tỏa ra xung quanh. Không ít người, nhất là người già và trẻ nhỏ, mắc các bệnh về đường hô hấp” - bà Nguyễn Thị Hằng phản ánh.

Thực tế, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều điểm sản xuất tương tự Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân. Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp lần thứ tư, HĐND TP Hà Nội khóa XV, cử tri huyện Thanh Trì kiến nghị, thành phố sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm như: Công ty cổ phần Pin Văn Điển, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển. Trước đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã lập danh sách cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di dời do ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, hiện vẫn còn một số đơn vị chưa di dời và bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương sử dụng cho các công trình phúc lợi.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành; cùng với đó, đã phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời (di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường; di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch tạo quỹ đất để thành phố bổ sung công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...). Lộ trình được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, di dời các cơ sở gây ô nhiễm thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; giai đoạn 2, di dời các cơ sở vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không phù hợp quy hoạch; giai đoạn 3, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; giai đoạn 4, di dời các cơ sở còn lại...

Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Đô thị, hiện có 32 cơ sở sản xuất công nghiệp lập dự án chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Việc triển khai còn chậm là do cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ. Và rào cản lớn nhất là sự vào cuộc của một số ngành, quận, huyện thiếu quyết liệt, chưa thực sự hiệu quả.

“Đất vàng” nên để làm gì?

Liên quan đến việc sử dụng đất sau khi di dời cơ sở sản xuất, ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 20 cơ sở gây ô nhiễm phải di dời. Đến nay, quận đã hoàn thành theo đúng tiến độ lộ trình của thành phố. “Khu Cao - Xà - Lá (Thượng Đình) giờ đã ngừng sản xuất nên không còn ảnh hưởng tới môi trường - ông Quân nói - Nhà máy đã bàn giao hoặc liên doanh, liên kết với nhà đầu tư để xây dựng chung cư, trung tâm thương mại. Nhưng tiến độ đến bao giờ làm thì chúng tôi không nắm được”.

Nêu vấn đề cần tính toán việc sử dụng đất sau khi di dời cơ sở sản xuất khỏi nội thành, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hầu hết doanh nghiệp sau khi di dời đã không bàn giao mặt bằng mà hợp thức hóa bằng cách liên doanh với một nhà đầu tư để xây dựng những tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại, với lý do giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên. Chưa thấy có cơ sở nào chuyển đổi thành bãi đỗ xe, công viên hay khu vực công cộng, điều mà hiện thành phố đang rất cần.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, vì những khu đất đó đều là “đất vàng”, vị trí đắc địa, thuận tiện giao thông, nên khi chuyển đổi giá sẽ cực kỳ hấp dẫn, từ đó đặt ra bài toán về công tác quản lý. Đó là nên xem xét thu hồi đất các cơ sở sản xuất sau di dời để đầu tư công trình công cộng, phục vụ nhân dân khu vực. Nếu để xây chung cư, thì phải tính đến áp lực về dân số, hạ tầng đô thị, giao thông; chủ đầu tư phải chia sẻ áp lực hạ tầng, đầu tư công trình hạ tầng đô thị cho thành phố. “Không thể để chung cư mọc lên, chủ đầu tư thu tiền, còn áp lực hạ tầng đô thị nhà nước phải gánh chịu. Vì ùn tắc giao thông, chất tải hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vướng rào cản lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.