Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tính kết dính doanh nghiệp - nông dân

Ngọc Quỳnh| 24/07/2017 07:07

(HNM) - Chủ trương liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã thực hiện nhiều năm, nhưng đến nay hiệu quả vẫn khá hạn chế.

Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Tỷ lệ hợp đồng thành công thấp

Theo ông Trần Công Thắng - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở Việt Nam đã được triển khai nhưng quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, vùng sản xuất không tập trung. Chẳng hạn, quy mô sản xuất lúa có diện tích dưới 0,2ha chiếm tới 50%, từ 2ha trở lên chỉ chiếm 2%. Trong nông nghiệp, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm lúa, chè mới chiếm 10%, chăn nuôi chiếm 16%, nhưng chủ yếu ở dạng gia công.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết: Thời gian qua, việc chung tay giải cứu nông sản của các ngành chức năng, doanh nghiệp chỉ là giải pháp tạm thời. Đã có nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được thực hiện, nhưng phổ biến là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm "đầu ra", ít doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp; sự ràng buộc giữa người bán và người mua không rõ ràng. Trong khi đó, hiện chưa có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm khi tranh chấp xảy ra. Điều đó khiến một bộ phận nông dân thấy lợi nhuận trước mắt khi có biến động về giá, thị trường, tự ý phá vỡ hợp đồng tiêu thụ nông sản đã ký với doanh nghiệp, bán sản phẩm cho thương lái khác để kiếm lời cao hơn…

Mô hình nông dân tham gia góp cổ phần với doanh nghiệp bằng đất đai có tính hợp tác cao, hai bên cùng chia sẻ lợi ích. Nhưng, với mô hình này, nếu doanh nghiệp thua lỗ, bị phá sản, có thể nảy sinh vấn đề không minh bạch về tài chính khiến nông dân thua thiệt. Việc doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã thông qua ký hợp đồng cũng chưa thống nhất... Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cho biết: "Có thời điểm, doanh nghiệp thu mua giống từ một hợp tác xã, nghiệm thu từng bao cất vào kho của hợp tác xã để hôm sau chuyển đi. Thế nhưng, khi doanh nghiệp kiểm nghiệm chất lượng để sử dụng thì các mẫu đều không giống như lúc nghiệm thu. Điều tra thì phát hiện sản phẩm đã bị tráo”...

Một vấn đề khá bất lợi khác cho doanh nghiệp là không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với từng hộ dân mà phải thông qua hợp tác xã, nhưng một số đơn vị hoạt động chưa bài bản, gây thiệt hại cho nông dân khiến họ không tin tưởng. Điều này đã gây nên tình trạng bên "cung" (nông dân) không gặp được bên "cầu" (doanh nghiệp). Bà Nguyễn Thị Năm ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết, gia đình được hợp tác xã đặt hàng thu mua lợn sạch, nên đã nỗ lực đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi an toàn. Nhưng giữa hợp tác xã và gia đình không có hợp đồng bằng văn bản mà chỉ cam kết bằng lời nói dẫn tới mối liên kết tan vỡ khi giá cả không ổn định… Bí bách, gia đình bà Năm đã tìm cách bán cho thương lái với giá rẻ.

Nâng cao nhận thức từng bên

Mục tiêu của liên kết theo chuỗi là tạo ra mối quan hệ ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế. Để thực hiện hiệu quả, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu quan điểm: Các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện khung pháp lý các văn bản dưới luật, cụ thể hóa những quy định, giải pháp nhằm khuyến khích hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ (hộ) nên chưa đủ tư cách pháp nhân ký kết hợp đồng liên kết.

Vì vậy, chính quyền địa phương hoặc hợp tác xã có trách nhiệm ký hợp đồng. Hợp đồng cần cụ thể hóa những thỏa thuận xử lý rủi ro về thiên tai, biến động giá cả thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc cùng chia sẻ và kiến nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác cần theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, gắn với lợi ích của các bên tham gia và có chế tài chặt chẽ về bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đơn phương phá vỡ...

Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chuỗi liên kết, đó là chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần thẩm định rõ năng lực doanh nghiệp trước khi triển khai hoặc hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó (nếu có)... Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân Phan Thanh Hùng chia sẻ: Các bộ, ngành nên cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết được sử dụng tài sản thế chấp là hàng hóa lưu trong kho, tài sản hình thành trên đất nông nghiệp; có chính sách ưu tiên về lãi suất, hạn mức vốn vay để giúp doanh nghiệp đủ nguồn lực thu mua nông sản cho nông dân khi vào vụ thu hoạch…

Như vậy, để chuỗi liên kết đạt hiệu quả, rất cần nâng cao nhận thức từng bên: Phía doanh nghiệp cần chia sẻ với nông dân về cả lợi ích và rủi ro; phía cơ sở sản xuất và nông dân cần thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm. Một yếu tố không thể thiếu là chính quyền địa phương hoặc hợp tác xã với vai trò "cầu nối" phải đủ tầm, đủ tài, đủ trách nhiệm và tâm huyết tham gia nhằm kiểm soát, thúc đẩy, cổ vũ các bên thực hiện hiệu quả trong toàn bộ quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính kết dính doanh nghiệp - nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.