Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả các mô hình khuyến nông

Đỗ Minh| 28/07/2017 06:35

(HNM) - Công tác khuyến nông là kênh chuyển giao khoa học kỹ thuật quan trọng vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp nông dân tiếp cận được mô hình mới và từng bước nâng cao thu nhập.

Mô hình trình diễn giống lúa mới của Trung tâm Khuyến nông.


Mô hình nuôi dê sinh sản đang là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở xã Yên Bình và Yên Trung (huyện Thạch Thất). Chị Cấn Thị Lan, xã Yên Bình cho hay: Do tận dụng cỏ, lá cây rừng, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nên chi phí đầu tư nuôi dê sinh sản không nhiều. Một con dê cái có thể sinh từ 2 đến 3 lứa/năm, mỗi lần sinh 1-2 con và nuôi trong thời gian 10-12 tháng sẽ xuất chuồng. "Giá thịt dê hơi trên thị trường hiện dao động từ 140 đến 150 nghìn đồng/kg, dê giống khoảng 160 nghìn đồng/kg, nên nuôi dê cho lợi nhuận cao so với nhiều vật nuôi khác. Đây là năm thứ 2 gia đình tôi tham gia mô hình nuôi dê sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai" - chị Lan chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Long, thôn Thung Mộ, xã Yên Bình, mô hình nuôi dê sinh sản phù hợp với điều kiện ở địa phương vì có nhiều đồng cỏ. Được hỗ trợ 6 con dê giống, đến nay đàn dê của gia đình anh sinh trưởng ổn định, đã có 2 con dê sinh đôi. Anh Long cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên gia đình tham gia mô hình nuôi dê sinh sản. Được Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất hỗ trợ kỹ thuật nên đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Long đã có kế hoạch nâng quy mô chăn nuôi đàn dê của gia đình lên 40 con...

Ông Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết: Đây là năm thứ hai Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình nuôi dê sinh sản tại địa phương. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật và con giống. Con giống bảo đảm không bị dị tật, phù hợp các đặc điểm để làm giống, trọng lượng bình quân của dê đực 30kg/con, dê cái 20kg/con. Mỗi hộ gia đình được giao 6 con dê cái và 1 con dê đực. Qua thời gian triển khai trên địa bàn xã từ tháng 7-2016 đến nay, dê cái đều đã sinh nở, nâng tổng đàn dê trong mô hình từ 40 con lên 73 con. Theo ông Dần, ngoài mô hình nuôi dê sinh sản, các mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai trên địa bàn xã đã phát huy và được đánh giá cao về hiệu quả nhân rộng mô hình, mở ra hướng sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Không riêng Thạch Thất, nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội thực hiện các mô hình khuyến nông đều được nông dân hưởng ứng tích cực, bởi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 12 mô hình ở các địa phương, trong đó trồng trọt có 5 dạng mô hình, chăn nuôi có 4 dạng mô hình và thủy sản có 3 dạng mô hình. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Trước khi triển khai mô hình, trung tâm đã khảo sát kỹ, dựa trên nhu cầu của người dân và thế mạnh của từng địa phương nhằm phát huy tối đa hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng với quy mô 200ha/vụ triển khai tại 10 huyện với giống lúa mới chất lượng đều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; mô hình trồng cây chi mai thế, quy mô 3.000 chậu tại huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây...

Theo bà Vũ Thị Hương, các mô hình khuyến nông đã và đang giúp nông dân ngoại thành Hà Nội ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô triển khai các chương trình hiện còn nhỏ, trong khi nhu cầu người dân vẫn còn rất lớn. Do vậy, nhân dân các địa phương mong ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng nhiều mô hình điểm, đồng thời tăng quy mô, diện tích để tiếp cận với cách làm hay, những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả các mô hình khuyến nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.