Theo dõi Báo Hànộimới trên

Địa phương nào để tàu hỏng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và ngư dân

Ngọc Quỳnh| 01/08/2017 13:59

(HNMO) - Ngày 1-8, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.


Sau gần 3 năm triển khai, ngân sách nhà nước đã đầu tư 3.600 tỷ đồng cho phát triển thủy sản. Đến nay có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Tính đến ngày 30-6-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu, trong đó 593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới, chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Với nguồn vốn này, tính đến 31-7-2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Tuy nhiên, trong số các tàu đóng mới có 40 tàu cá vỏ thép của ngư dân ở tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam bị hư hỏng rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản. Hiện các tàu vỏ thép bị hư hỏng đã được cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sữa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8-2017 hoàn thành và tiếp tục đi vào hoạt động.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Sau 3 năm triển khai, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đáp ứng nguyện vọng của ngư dân, mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngư dân. Hiện còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tập trung để trình Chính phủ ban hành trong quý IV-2017 và thực hiện vào ngày 1-1-2018. Trong quá trình sửa đổi cần tập trung vào một số nội dung như: Về đầu tư hạ tầng nghề cá có cơ chế huy động nguồn lực để xây dựng đồng bộ những hạng mục, khu neo đậu, tránh bão. Về cơ chế vay vốn tín dụng, áp dụng phương thức cho vay phù hợp, thực hiện hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với tàu cá đóng mới thay vì hỗ trợ lãi suất như hiện nay. Nghị định sửa đổi phải quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc đóng tàu mới, rà soát những cơ sở đóng tàu, nếu không đủ năng lực cần loại bỏ. Chính sách cũng phải quy định cụ thể về hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên. Các bộ, ngành rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc từ sự cố tàu vỏ thép đóng mới bị hư hỏng và phải nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển triển khai đồng bộ các nhóm chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Địa phương nào để tàu hỏng thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và ngư dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa phương nào để tàu hỏng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và ngư dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.