Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tỷ phú hoa một tay"

Quang Thái| 09/08/2017 15:49

(HNMO) - Dù mất đi một cánh tay do hậu quả của chiến tranh, nhưng nhờ sự sáng tạo và nghị lực phi thường, ông Nguyễn Khắc Đức (Tổ dân phố Hạ 11, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng hoa ở quê hương. Người dân địa phương thường gọi ông với cái tên trìu mến “tỷ phú hoa một tay”.

Dù mất đi một cánh tay do hậu quả của chiến tranh, nhưng nhờ sự sáng tạo và nghị lực phi thường, ông Nguyễn Khắc Đức (Tổ dân phố Hạ 11, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng hoa ở quê hương. Người dân địa phương thường gọi ông với cái tên trìu mến “tỷ phú hoa một tay”. 

Ông Nguyễn Khắc Đức chăm sóc hoa cúc.


Vượt lên chính mình

Chúng tôi gặp người cựu chiến binh già trên khu đất rộng gần 2 hécta của gia đình ông tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), khi ông đang mải mê xới đất để chuẩn bị gieo trồng vụ hoa mới. Tạm dừng công việc, ông mời những vị khách vào lều, vừa rót nước mời khách, ông vừa kể chuyện bén duyên với nghề trồng hoa.

Ông Nguyễn Khắc Đức sinh năm 1941 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế năm 1967 và phục viên năm 1972. Ông trở về quê hương với cơ thể không còn lành lặn. Ông Đức nhớ lại: “Cuộc sống ngày đầu trở về quê hương với tôi thực sự rất khó khăn. Mất một cánh tay, khả năng lao động giảm nên gánh nặng cuộc sống đè nặng đôi vai bà nhà tôi”. Nghĩ đến cảnh người vợ tần tảo sớm hôm, chạy từng bữa nuôi 8 miệng ăn trong gia đình, ông lại thấy day dứt… Nhiều đêm nằm suy nghĩ, những câu hỏi như: Làm thế nào để bắt đầu lại cuộc sống luôn ám ảnh trong tâm trí ông.

Tưởng chừng người lính Cụ Hồ sẽ bị khuất phục bởi cuộc sống khó khăn... Nhưng không, với sự động viên của gia đình, ông đã có thêm nghị lực để bắt đầu lại cuộc sống với một cánh tay. Việc đầu tiên ông học là: Tập viết, cầm đũa rồi đến cầm chổi… Khi đã quen việc, ông phụ giúp gia đình tăng gia sản xuất. Nhưng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cuộc sống gia đình ông vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chính điều này đã thôi thúc ông tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 1995, trong một lần đi ngang qua khu vực phường Nhật Tân (Tây Hồ), thấy người dân phấn khởi thu hoạch hoa. Ông đã quyết định tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng hoa ở và nhận thấy triển vọng từ mô hình này. Ông bàn với vợ, con mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng sang trồng hoa hồng với số vốn ban đầu là 10 triệu đồng. Biết rằng, trồng hoa khó hơn nhiều so với trồng cây rau màu, nhưng với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm, vừa học nên ông đã được gia đình ủng hộ. Sau nhiều ngày dày công chăm sóc, vụ thu hoạch hoa đầu tiên đã đem lại cho gia đình ông hơn 50 triệu đồng tiền lãi.

Tưởng chừng mọi việc đã “thuận buồm xuôi gió”, nhưng vụ thu hoa Tết năm 1996 bị mất mùa khiến gia đình ông rơi vào cảnh điêu đứng. Sau khi mất trắng, cả gia đình ông đều khánh kiệt. Để sốc lại tinh thần, ông đã thuyết phục mọi người trong gia đình đi làm thuê để có tiền rồi gây dựng lại từ đầu. Khi đã có vốn, ông xây dựng lại mô hình trồng hoa, lấy hoa hồng và hoa cúc làm chính. Không phụ công người, các vụ thu hoạch hoa trong những năm tiếp theo đã đem lại cho gia đình ông hàng 100 triệu đồng tiền lãi. Ông Đức chia sẻ: “Làm bất cứ việc gì cũng phải kiên nhẫn và trong việc phát triển cây hoa, cần sự thí điểm, từ đó đúc kết kinh nghiệm rồi bắt đầu phát triển”.

Không ngừng phát triển

Nhận thấy, chỉ trồng hoa hồng, hoa cúc sẽ không đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2008, ông bắt đầu trồng thêm các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: Hoa ly vàng, hoa ly đỏ… Nhớ về vụ thu hoạch hoa Tết năm 2009, anh Nguyễn Khắc Tuấn Anh, con trai út của ông Đức không giấu nổi cảm xúc: “Năm đó, gia đình tôi trồng 3 vạn cây hoa ly và phải làm sao để hoa nở đúng vào dịp Tết mới có lãi cao. Sau khi tìm hiểu, tôi đã bàn với gia đình và đưa công nghệ thắp điện cho hoa vào buổi tối”. Không ngoài dự tính, toàn bộ diện tích hoa ly của gia đình năm đó nở đúng ngày và thu lãi gần 1 tỷ đồng. 

Theo ông Đức, trồng hoa ly phải tuân thủ một quy trình khắt khe, khuôn đất phải sạch, có lưới che, đèn sưởi. Sau mỗi vụ thu hoạch, đất phải bỏ trống khoảng 3 tháng rồi cải tạo lại mới trồng vụ hoa tiếp theo. 

Đến nay, gia đình ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa với diện tích gần 2 héc ta, mỗi năm thu về hơn 3 tỷ đồng. Mô hình trồng hoa của gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thơm, người dân địa phương nhận xét: “Ông Đức là cựu chiến binh gương mẫu, sống thân thiện và được bà con kính trọng. Đặc biệt, ông thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm trồng hoa cho bà con để phát triển kinh tế”.

Khi nhắc đến dự định trong tương lai, anh Tuấn Anh, hiện đang giúp ông Đức quản lý ruộng hoa cho biết: “Trước mắt, gia đình tôi vẫn tiếp tục phát triển mô hình trồng hoa và trồng xen kẽ thêm một số cây ăn quả để tăng thu nhập. Trong tương lai, tôi sẽ làm theo định hướng của bố, là thành lập công ty và hướng tới thị trường nước ngoài”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Tỷ phú hoa một tay"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.