Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách phát triển thủy sản: Có sát thực mới hiệu quả

Ngọc Quỳnh| 11/08/2017 06:59

(HNM) - Việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trong 3 năm qua đã thu được những kết quả quan trọng.

Đóng tàu vỏ thép giúp ngư dân vươn khơi bám biển tại tỉnh Bình Định.


Tàu vừa đóng đã hỏng

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã quyết liệt, khẩn trương triển khai. Tính đến ngày 31-7 đã có 761 tàu cá đóng mới (301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ) và 105 tàu cá được nâng cấp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng khi chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế. Trong khi đó, người làm công tác giám sát thi công, đăng kiểm còn hạn chế về năng lực, trình độ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Bình Định đã có 297 tàu được đóng mới, trong đó 47 tàu vỏ thép, nhưng 20 tàu mới chỉ ra khơi đánh bắt được 1 - 2 chuyến đã hỏng máy chính, máy định vị. Tỉnh Bình Định đã vào cuộc và sau một thời gian điều tra, xác minh, Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã khắc phục sự cố và dự kiến đến cuối tháng 8-2017 sẽ hoàn thành. Tiếc là, chính sách vay vốn lưu động cho ngư dân đóng tàu còn bất cập vì lãi suất vay vốn cao, phương thức, cơ chế cho vay chưa phù hợp.

Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay các ngân hàng thương mại không giải quyết cho chủ tàu đang đóng hoặc đã đóng xong về thủ tục bảo hiểm, bởi chưa có hướng dẫn của bộ, ngành liên quan về chính sách bảo hiểm nên các tàu phải nằm bờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngoài bất cập về vốn, bảo hiểm, chính sách đào tạo, hướng dẫn thuyền viên cũng chưa sát với thực tế; khi đã hoàn thành việc đóng tàu thì chủ tàu mới tìm kiếm thuyền viên đi biển nên ảnh hưởng đến việc đăng ký và phê duyệt danh sách thuyền viên được đào tạo vận hành tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới…

Sớm sửa đổi, bổ sung cho sát thực

Tính đến ngày 30-6, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu, chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát: Để Nghị định 67/2014/NĐ-CP thực sự trở thành “cú hích” nhằm tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với thực tiễn như: Hỗ trợ sau đầu tư cho ngư dân đóng tàu mới; 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên… Bộ NN&PTNT tổng hợp, đánh giá việc đóng mới, nâng cấp tàu của các địa phương để có giải pháp điều chỉnh, phân bổ số lượng cho phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch địa phương, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt. Bộ Tài chính kịp thời phân bổ kinh phí bổ sung cho các địa phương để thực hiện nghị định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các ngân hàng thương mại trong quá trình cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động phục vụ sản xuất; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đề nghị của địa phương và ngư dân. Các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố tàu cá vỏ thép bị hư hỏng, sớm khắc phục để đưa tàu vào hoạt động, đồng thời, hướng dẫn ngư dân duy tu, sửa chữa định kỳ đối với các tàu cá vỏ thép…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách phát triển thủy sản: Có sát thực mới hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.