Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng hàng nhập khẩu từ Thái Lan

Hồng Sơn| 22/09/2017 06:58

(HNM) - Từ trước đến nay, do nhiều nguyên nhân, Việt Nam thường ở vị trí nhập siêu trong giao thương quốc tế.


Một cửa hàng kinh doanh đồ Thái Lan tại Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai).


Điều khó tránh

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu 3,5 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Thái Lan, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, doanh nghiệp Việt nhập khẩu rất nhiều chủng loại hàng hóa của Thái Lan, trong đó có những loại hàng trong nước đã sản xuất được.

Trước hết, xét về cơ cấu hàng hóa, nhìn chung các doanh nghiệp hai nước sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm khá giống nhau. Vì vậy, bản thân cơ cấu hàng hóa đã đẩy doanh nghiệp Việt vào thế phải cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái, là căn nguyên dẫn đến mức nhập siêu khá lớn như trên. Nhưng, hầu hết sản phẩm của ta chưa thể cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, do hạn chế về chất lượng và giá bán.

Đặc biệt, trang bị công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất của doanh nghiệp xứ Chùa vàng hiện đại hơn 1-2 thế hệ và năng suất lao động trung bình cao gấp nhiều lần các đơn vị của Việt Nam. Giới doanh nghiệp Việt cũng hạn chế hơn doanh nghiệp Thái Lan ở một số tiêu chí quan trọng như sự năng động, dày vốn, tính đa dạng của sản phẩm và chuyên môn hóa trong sản xuất, kết quả xây dựng thương hiệu sản phẩm... Đơn cử, Thái Lan hiện là đầu mối sản xuất linh kiện ô tô hàng đầu khu vực, có thể đảm nhận vai trò là nhà cung cấp cho nhiều cơ sở lắp ráp ô tô khu vực cũng như thế giới.

Về thói quen tiêu dùng, người dân Việt Nam đã làm quen và có cảm tình nhất định đối với hàng Thái Lan, như hàng điện tử, xe máy, hàng công nghiệp nhẹ... Đây là điều dễ hiểu, vì hàng Thái Lan duy trì sự có mặt ở thị trường Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và khẳng định được ưu thế về chất lượng, giá cả, mẫu mã, nhất là sự tương ứng về thị hiếu với giới tiêu dùng Việt Nam.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết, thời gian qua đã có một số nhà đầu tư Thái Lan thâm nhập thị trường phân phối Việt Nam và làm chủ một số siêu thị, trung tâm thương mại. Theo tâm lý thông thường, họ sẽ ưu tiên nhập hàng của Thái Lan về bán, chủ động bày hàng nước này lên kệ ở những vị trí bắt mắt nhất. Họ áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt và bài bản hơn các siêu thị trong nước nên ngày càng thu hút khách nội địa.

Đó cũng là cách để xây dựng lòng tin khách hàng và thực tế hàng Thái Lan đang "nở rộ" tại thị trường Việt Nam. Đến nay, trái cây và hàng điện máy Thái Lan đang ồ ạt thâm nhập thị trường nước ta cùng nhiều loại sản phẩm khác. Thậm chí, hàng Thái Lan còn khá phổ biến tại thị trường nông thôn, đe dọa nông sản Việt. Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn theo tiến trình hội nhập, nhất là khi thuế suất phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN lui về mức 0%, đặc biệt thuế suất nhập khẩu ô tô sẽ là 0% vào năm 2018.

Hàng tiêu dùng Thái Lan cũng đang cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí đứng vững hơn so với hàng Trung Quốc trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, người tiêu dùng có quyền lựa chọn, với mức độ tinh tế và trình độ ngày càng cao hơn. Đây là thực tế bất lợi đối với hàng "nội" và khó can thiệp một cách chủ quan.

Những hệ lụy cần sớm khắc phục


Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã mua lại siêu thị Big C. Trong ảnh: Chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn


Dự báo, mức nhập siêu từ Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu do hàng Việt Nam đuối sức cạnh tranh và khắc phục hạn chế này không thể một sớm một chiều. Việc nhập siêu khá lớn trong giao thương sẽ để lại hệ lụy không nhỏ đối với đời sống kinh tế - xã hội trong nước.

Trước hết, do đuối sức cạnh tranh nên lượng hàng "nội" bán ra không nhiều, từ đó doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất. Sau đó là nguy cơ mất việc làm của một bộ phận người lao động, đồng nghĩa với sự ảnh hưởng về an sinh xã hội. Tiếp theo, nhập siêu gây ra sự mất cân bằng cán cân thương mại, cán cân thanh toán, dẫn đến nguy cơ tiêu tốn hoặc thiếu ngoại tệ của đất nước (trong bối cảnh thiếu vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển). Mặt khác, nhập siêu chính là sự thể hiện tình trạng "lép vế" của nền kinh tế trong quan hệ thương mại quốc tế...

Để tiến tới cân bằng kết quả giao thương với Thái Lan nói riêng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói chung, các chuyên gia đưa ra một số gợi ý. Đó là doanh nghiệp "nội" cần tổ chức lại sản xuất, hướng mạnh vào hoạt động đầu tư cho dây chuyền công nghệ hiện đại để gia tăng chất lượng hàng hóa, từ đó lấy lại uy tín đối với người tiêu dùng. Tiếp theo, cần sẵn sàng, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động sản xuất và khu vực phân phối để khép kín chuỗi sản xuất - phân phối giữa các đơn vị trong nước. Mỗi đơn vị cần tự giác ưu tiên sử dụng sản phẩm "đầu vào" của nhau để gia tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng nội địa, thay thế nhập khẩu cũng như kết hợp ủng hộ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần nâng cao sức cạnh tranh để “tự cứu mình”, tìm hướng đi phù hợp, đồng thời tôn cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tăng chất lượng phục vụ và các biện pháp khuyến mãi, chăm sóc khách hàng để từng bước gia tăng thị phần. Ngành chức năng cần tăng tốc thực hiện cải cách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xác lập môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, bình đẳng, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, bám sát mục tiêu tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng hàng nhập khẩu từ Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.