Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hút vốn FDI và lời cảnh báo về môi trường

Hồng Sơn| 02/10/2017 07:09

(HNM) - Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế. Vấn đề đặt ra là làm sao vừa thu hút được nhiều vốn vừa bảo đảm mục tiêu ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tác động môi trường.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã thu hút thêm gần 25,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này minh chứng cho lòng tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như quyết tâm bỏ vốn vào Việt Nam của giới đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, gần đây xuất hiện thêm một số dự án công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng, ví dụ như Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) vừa khởi công Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Cơ sở này sẽ ứng dụng những công nghệ tiên tiến, cho phép tiết kiệm năng lượng vào bảo đảm quy định về môi trường theo chuẩn quốc tế. Hay như Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) đang đẩy mạnh công tác kỹ thuật, chuẩn bị cho việc triển khai Dự án khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi miền Trung. Bên cạnh đó, gần đây một số nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm, tìm cơ hội đầu tư phát triển ngành sản xuất năng lượng tái tạo nhằm tận dụng lợi thế về tiềm năng gió, nắng ở Việt Nam.

Tuy vậy, dư luận xã hội vẫn chưa quên một số trường hợp điển hình của dự án có vốn đầu tư nước ngoài tàn phá môi trường. Việc khắc phục thiệt hại đã, đang được giải quyết, nhưng không có gì bảo đảm là không phát sinh thêm tình huống mới. Hiện nay, dân cư sống quanh Dự án Nhà máy giấy Lee & Man bên cạnh sông Hậu (Hậu Giang) đang lo ngại sự ảnh hưởng từ nguồn nước/chất thải ra môi trường của đơn vị này. Thực tế cho thấy, hậu quả của sự ô nhiễm luôn là lâu dài, với những cái giá phải trả không thể bộc lộ ngay, mà sẽ tích tụ, phát tác ngày càng nặng nề theo thời gian, cũng như rất khó xử lý bằng tiền một cách thuần túy.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, cần nhấn mạnh vai trò, sự đóng góp của đầu tư nước ngoài đối với quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam. Đây là nhu cầu và yếu tố quan trọng nhằm giảm thiểu tác hại của hiện tượng khí hậu nóng lên trên toàn cầu, sự phát thải carbon có thể gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường.

Một số chuyên gia cũng đồng thuận quan điểm này và khuyến cáo cần có sự cân nhắc kỹ, tổng thể, đồng thời gắn liền với yêu cầu cao về công nghệ của những dự án đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp cổ điển như sản xuất thép, xi măng, hóa chất, nhà máy điện chạy bằng than... Thậm chí, cần chủ động hạn chế những lĩnh vực này do nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng như gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần khẳng định, hiện đã đến giai đoạn tăng cường rà soát, đánh giá kết quả tổng thể về thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; trong đó nhấn mạnh quan điểm không chấp nhận những dự án áp dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều đất đai và đặc biệt là không được gây ô nhiễm môi trường. Mấu chốt vấn đề phụ thuộc vào hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan chức năng, từ tầm vĩ mô đến từng đơn vị, địa phương, cần chủ động thẩm tra chặt chẽ, phát huy tối đa quyền lựa chọn của mình trước khi cấp phép cho một dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hút vốn FDI và lời cảnh báo về môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.