Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ lụy từ ồ ạt trồng chanh đào

Đỗ Minh| 09/10/2017 07:07

(HNM) - Hiện nay chanh đào đang vào chính vụ thu hoạch. Khác với những năm trước, giá chanh gần đây giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng. Tình trạng trên cho thấy, thêm một loại nông sản rơi vào hệ lụy cung vượt cầu khi người trồng chạy theo


Vài năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích trồng chanh đào mở rộng tự phát lớn. Điển hình là các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Hoài Đức… Anh Lê Văn Thuật ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) cho biết: Năm 2012 là năm chanh đào có giá bán kỷ lục, thương lái thu mua tại vườn cũng từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Ban đầu, gia đình chỉ trồng vài cây trong vườn, thấy giá bán cao, năm 2013, anh mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng trồng 16 mẫu chanh đào. “Chanh đào dễ trồng, dễ chăm sóc, lại rất hợp với đồng đất Thủy Xuân Tiên. Trung bình mỗi năm, vườn chanh đào của gia đình tôi cho thu hoạch khoảng 40 tấn quả. Năm đầu tiên trồng chanh đào, chúng tôi cơ bản đã thu lại vốn; năm thứ 2 bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, chanh đào bắt đầu giảm giá mạnh. Năm nay, thời điểm cao nhất, thương lái thu mua tại vườn chỉ được 15 nghìn/kg, sau chỉ còn 6 đến 10 nghìn đồng/kg".

Tương tự, nhiều gia đình trồng chanh đào ở Thủy Xuân Tiên cũng đang gặp khó khăn. Đặc biệt, vụ chanh đào năm nay, giá giảm mạnh, có thời điểm, thương lái chỉ thu mua mức giá 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán đã giảm mạnh, nhưng nhiều vườn chanh đào ở các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Chương Mỹ… chanh chín rụng đầy vườn mà không có người thu mua. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Khoảng năm 2012, nông dân nhiều huyện của Hà Nội ồ ạt mở rộng diện tích chanh đào. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, Hà Nội có hàng trăm héc ta dù trước đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã khuyến cáo nông dân không nên mở rộng ồ ạt mà nên trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để trồng chanh đào trái vụ...

Ngoài Hà Nội, nông dân ở nhiều tỉnh, thành như: Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La… cũng tự phát mở rộng diện tích trồng chanh đào. Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định, đối với các tỉnh phía Bắc, những năm trước đây, chanh đào được trồng chủ yếu tại vùng Cao Phong (Hòa Bình) và Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên). Thời điểm đó, ít hộ trồng chanh nên sản lượng thấp, trong khi nhu cầu người dân cao, nông dân bán được giá 70.000 đồng/kg nên rủ nhau trồng chanh đào. Lúc đó, có hộ thu tiền tỷ mỗi năm từ cây trồng này, hình thành "tâm lý đám đông" cùng trồng. Đỉnh điểm, từ 2012 đến 2013, chanh đào được trồng kín tại các vườn nhà, ruộng đồi tại các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang...

Do nguồn cung nhiều, nhu cầu không tăng, thậm chí giảm dần, nên từ năm 2016 đến nay, giá chanh đào giảm mạnh, tiền bán chanh không đủ tiền thuê người hái. Tại các chợ, chanh đào được bán với giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg tùy theo từng thời điểm, có chợ chanh đào được bán 30.000 đồng/kg. Tình trạng trên khiến nông dân chịu thiệt thòi lớn nhất.

Thực tế, chanh đào chỉ được dùng để ngâm mật ong trong điều trị ho và viêm họng. Trong đó, chủ yếu là người tiêu dùng mua để tự ngâm, số rất ít được một vài công ty dược thu mua để làm thuốc. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản phẩm thu hoạch được rải đều, đặc biệt là sử dụng biện pháp kỹ thuật để chanh đào ra trái vụ...

Như vậy, tình trạng "khủng hoảng thừa" nông sản lại xảy ra. Không riêng chanh đào, rất nhiều cây trồng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cứ khi giá bán cao, nông dân lại ồ ạt mở rộng diện tích canh tác mà không hề quan tâm đến nhu cầu tiêu dùng. Qua đây cũng thêm bài học về sự kiểm soát cây trồng, trong đó cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành, và chính quyền địa phương khi khuyến cáo nông dân trong canh tác nông nghiệp nhằm bảo đảm nông sản không bị mất giá, gây thiệt hại cho người trồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ ồ ạt trồng chanh đào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.