Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Cần thêm những nguồn lực

Ngọc Quỳnh| 18/10/2017 07:09

(HNM) - Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã phát huy tốt chức năng của mình, nhưng do nguồn vốn hạn chế, Quỹ chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, do đó rất cần có thêm các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã phát triển.

Ông Nguyễn Duy Linh (Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính) cho biết: Ngoài Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương, cả nước hiện có 48 quỹ ở địa phương. Ở cấp trung ương qua 10 năm hoạt động, Quỹ đã triển khai cho vay khoảng 90 dự án trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố với tổng số vốn vay theo hợp đồng tín dụng gần 200 tỷ đồng. Nhìn chung, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể, khuyến khích hợp tác xã đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa...

Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn nhiều khó khăn do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương dẫn tới nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc quản lý của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, nguồn vốn hoạt động của các quỹ còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn thực tế của khu vực hợp tác xã; nhiều tỉnh, thành phố thu được hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhưng Quỹ lại không có đồng nào. Trong khi đó, nguồn vốn đóng góp của các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã không đáng kể...

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) nhận định: Hầu hết hợp tác xã đều thiếu vốn để sản xuất, trong khi vay vốn ngân hàng thương mại gặp khó khăn, nên việc vay vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là kênh duy nhất. Vậy nhưng, nguồn vốn của Quỹ chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của các hợp tác xã trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong khi đó, theo Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam, do nguồn vốn của Quỹ eo hẹp, trong khi nhu cầu vay vốn của hợp tác xã rất lớn để giải quyết việc làm, mở rộng dịch vụ ngành nghề kinh doanh nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu. Luật Hợp tác xã năm 2012 mới chỉ quy định bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất... và rất khó vận dụng. Ngoài ra, do khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành nghề lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản nên một số đơn vị chưa trả nợ Quỹ đúng thời hạn gây vướng mắc trong việc luân chuyển nguồn vốn vay.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, ban hành quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương. Đây là điều kiện để mở rộng hoạt động hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam cho rằng, các bộ, ngành nên triển khai rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quan trọng của Quỹ gồm: Điều lệ, quy chế quản lý tài chính, hoạt động của Quỹ để phát huy hiệu quả. Quỹ sẽ ưu tiên cho vay ở những hợp tác xã có tài sản bảo đảm và hồ sơ vay, sử dụng vốn khả thi, hiệu quả, trả nợ tốt.

Về lâu dài, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tín dụng, thẩm định dự án để triển khai cho vay theo hình thức tín chấp. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, huy động các nguồn lực từ trung ương đến địa phương thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hợp tác xã phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Cần thêm những nguồn lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.