Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mình ở các xã miền núi

Nguyễn Mai| 20/10/2017 07:17

(HNM) - Hà Nội hiện có 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với 14 xã thuộc khu vực miền núi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.


Một góc thôn Quê Vải, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất).


Nhiều xã hoàn thành nông thôn mới

So với các xã đồng bằng, đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, nơi đây đã có những bước đổi thay rõ nét. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương và hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới. Tới nay, nhiều xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai)... đã "cán đích" chương trình xây dựng nông thôn mới.

Con đường về xã An Phú (Mỹ Đức) rộng rãi, trải nhựa phẳng phiu. Những trường học, trạm xá, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng ngày một khang trang; vùng sơn cước này trước đây có gần 1/2 số hộ nghèo, giờ đã thấy rõ những "bứt phá" trong phát triển kinh tế. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Hải Hồng cho biết, từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay An Phú đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới.

Cũng là xã dân tộc miền núi, trước năm 2016, huyện Quốc Oai có 4 thôn thuộc 2 xã Phú Mãn và Ðông Xuân được xếp vào danh sách các thôn được hưởng chính sách của Chương trình 135 thì đến cuối năm 2016, các thôn này đều đã đủ điều kiện ra khỏi chương trình này và “cán đích” chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, hiện nay 2 xã này đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, thu nhập bình quân hơn 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.

Huyện Ba Vì có 7 xã dân tộc thiểu số, đến tháng 6-2017, đã có 3 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên gồm: Ba Trại, Khánh Thượng, Vân Hòa; 3 xã đạt từ 12 đến 15 tiêu chí gồm: Minh Quang, Tản Lĩnh, Yên Bài. Riêng xã Ba Vì, trước năm 2016 còn là xã đặc biệt khó khăn đến nay cũng đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới…

Theo đại diện Ban Dân tộc TP Hà Nội, đến hết năm 2016, thu nhập bình quân các xã vùng dân tộc và miền núi thành phố đạt khoảng 28,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đến hết năm 2016, TP Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định của Chính phủ về thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2016-2020). Kết quả này đã đạt và vượt mức chỉ tiêu thành phố đặt ra.

Tiếp sức cho phong trào

Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh, có được thành tựu đó là nhờ sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư từ trung ương đến thành phố. Thực hiện Kế hoạch 138 ngày 15-7-2016 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư 69 dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực y tế có 1 dự án trị giá 7 tỷ đồng; lĩnh vực giao thông có 40 dự án trị giá 716,8 tỷ đồng; lĩnh vực trường học có 19 dự án trị giá 173 tỷ đồng; lĩnh vực thủy lợi có 9 dự án trị giá hơn 103 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-6-2017, thành phố đã cấp kinh phí 750 tỷ đồng hoàn thành nhiều công trình, đã được đưa vào sử dụng. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi, giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của thành phố, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển khu vực dân tộc miền núi của Trung ương cũng được triển khai nghiêm túc. Thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, UBND thành phố đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các sở, ngành, đơn vị liên quan, rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số để cho vay thoát nghèo.

Tháng 3-2017, UBND thành phố đã có quyết định bổ sung và phân bổ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm năm 2017, trong đó đã phân bổ cho huyện Ba Vì 32 tỷ đồng; huyện Mỹ Đức 29,5 tỷ đồng; huyện Quốc Oai 24,7 tỷ đồng... để ưu tiên cho các đối tượng vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, khu vực dân tộc thiểu số còn được hưởng các chính sách ưu tiên về: Y tế, giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Bên cạnh những thành tựu, theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, bà con vùng dân tộc miền núi vẫn đang cần nhiều hơn nữa mô hình hỗ trợ sản xuất để tiếp tục xóa nghèo và làm giàu. Từ đó, tạo thêm lực đẩy cho các vùng cao của Thủ đô xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ở những vùng còn nhiều gian khó đặc thù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mình ở các xã miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.