Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lần đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng 200 tỷ USD

Bảo Hân| 31/10/2017 18:06

(HNMO)- Chiều 31-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có bài phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề mà các đại biểu (ĐB) nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Số liệu tăng trưởng đáng tin cậy

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 bởi đã dựa trên phương pháp thống kê có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện theo đúng với các quy định của pháp luật về thống kê; đã áp dụng nhiều năm nay và được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế công nhận.

Bộ trưởng cũng cho biết, do tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao là 7,46%, là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm nên quý IV chỉ cần đạt 7,31% là cả năm có thể đạt 6,7%. Theo quy luật quý IV luôn tăng trưởng cao nhất nên mục tiêu tăng trưởng cả năm được bảo đảm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo bổ sung thêm số liệu tăng trưởng trong tháng 10 và 10 tháng để thấy rõ tất cả các chỉ tiêu đang tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 8,7% (cao hơn cùng kỳ 7,3%); khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt (tăng 28,1%) và cả năm ước đạt 13 triệu lượt; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt trên 28,2 tỷ USD (tăng 37,4%); vốn ước thực hiện đạt 14,2 tỷ USD (tăng 11,8%); tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 10,7%. "Đặc biệt xuất khẩu của nước ta tăng mạnh, ước đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Cả năm ước sẽ đạt 204 tỷ USD, đây là lần đầu tiên chúng ta vượt ngưỡng 200 tỷ USD" - Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, cả nước có 105.000 DN được thành lập mới số vốn 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% số lượng DN và 43,8% số vốn đăng ký.

Tăng trưởng phục thuộc vào yếu tố chu kỳ sản xuất và mùa vụ

Trước ý kiến phát biểu của ĐH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) trong sáng cùng ngày về những dấu hiệu lạ khi tăng trưởng giữa các quý lên xuống thất thường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình cặn kẽ.

Tốc độ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu về kết quả, chịu sự tác động về yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.

Theo thông lệ nhiều năm và trở thành quy luật, hoạt động sản xuất kinh doanh của quý I bị ảnh hưởng do sự trùng hợp vào yếu tố chu kỳ là dịp kết thúc tết âm lịch, ảnh hưởng bởi tết, lễ hội, kết thúc năm ngân sách, nhiều nhiệm vụ phải kết thúc trước khi bước sang năm mới; ảnh hưởng bởi sản xuất mùa vụ, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, mua sắm, thời tiết.

Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm và quý I năm sau thấp hơn quý IV năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá phản ánh đúng chu kỳ và mùa vụ trong tăng trưởng của năm.

Qua tổng hợp cho thấy cơ cấu giá trị GDP của một năm có sự khác biệt. Bình quân giá trị GDP của quý I chỉ chiếm 18%, quý II là 24%, quý III là 26% và quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP cả năm. Quý IV thường có tỷ trọng lớn nhất và vai trò quan trọng trong tăng trưởng cả năm.

Việc tính toán GDP theo quý nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm. Để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của một năm thì cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài hạn. " - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng cũng khẳng định chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta là tích cực, thể hiện trên 10 chỉ tiêu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như nhiều chuyên gia đánh giá.

Phát biểu ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH Dương Quảng Hàm (Phú Thọ) thống nhất với các nội dung về chu kỳ sản xuất kinh doanh, lễ hội... ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ĐB đưa ra thêm hai nguyên nhân mà theo ông Chính phủ và Bộ trưởng cần lưu tâm.


ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ).


"Đầu tiên là việc chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá. Giải pháp mà đưa ra các quý cuối năm là giải pháp ngắn han. Trước đây trong các năm 2013 - 2014, tốc độ tăng trưởng rất đều nhau. Nhưng bắt đầu từ năm 2015, 2016, chúng ta bán thêm dầu, khai thác thêm tài nguyên khoáng sản để bảo đảm cho quý III và IV tăng trưởng. Sang đến quý sau thì bị "hụt hơi", không tăng trưởng được nữa" - ĐB Hàm nêu.

Ngoài ra, cũng theo ĐB này, tăng trưởng của quý IV -2017 đang trông vào các giải pháp ngắn hạn như đẩy mức tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21%, hay đang đẩy mạnh đầu tư công...

"Tăng trưởng thì tốt nhưng tăng trưởng phải bền vững và giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không phải ngắn hạn như những ví dụ tôi đã nêu ra" - ĐB Hàm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên xuất khẩu vượt ngưỡng 200 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.