Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn kỹ khi nhập khẩu hàng hóa

Hồng Sơn| 06/11/2017 07:13

(HNM) - Nhập khẩu hàng hóa là hoạt động không thể thiếu đối với bất kỳ nền kinh tế nào và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vấn đề đặt ra là cần phân biệt, lựa chọn những loại hàng gì cần nhập và ở mức nào để dung hòa lợi ích của doanh nghiệp...


Theo các chuyên gia, để đánh giá hoạt động nhập khẩu có lành mạnh hay không cần xét theo một số yếu tố quan trọng. Trước hết, cần đánh giá về cơ cấu hàng và lấy sự cần thiết cho hoạt động sản xuất trong nước. Với “thước đo” này, việc nhập khẩu nhóm nguyên liệu, phụ liệu, vật tư là đương nhiên, đáng khuyến khích. Lý do là khối lượng nhập về để phục vụ sản xuất, đáp ứng tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong đó có một tỷ lệ lớn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Hợp đồng xuất khẩu càng lớn thì mức nhập khẩu nhóm này càng tăng. Đơn cử, mỗi năm các doanh nghiệp nước ta nhập khẩu hàng chục tỷ USD giá trị nguyên, phụ liệu để gia công sản phẩm thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, máy tính, điện thoại...

Bên cạnh đó, nhóm máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất cũng được xem là bắt buộc phải nhập khẩu và được đánh giá là “lành mạnh” bởi nó phục vụ mục đích triển khai các dự án đã đăng ký đầu tư. Sau cùng là nhóm nhiên liệu, chủ yếu gồm xăng dầu và gas để đáp ứng nhu cầu đời sống dân sinh, nên phải được duy trì nhập khẩu liên tục, đồng thời để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Như vậy, ba nhóm hàng nói trên chiếm tỷ trọng lớn nhất, cũng là danh mục nhập khẩu đương nhiên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do năng lực nội tại chưa thể tự cung ứng theo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Trong 10 tháng qua, nền kinh tế đã nhập khẩu 172,5 tỷ USD giá trị hàng hóa, thấp hơn kết quả xuất khẩu và được ghi nhận là mức vừa phải, dễ chấp nhận.

Trên thực tế vẫn diễn ra việc nhập khẩu những mặt hàng không đáng khuyến khích, mặc dù về nguyên tắc không cơ quan nào có quyền cản trở, hạn chế doanh nghiệp nhập khẩu. Đó là những mặt hàng ít có ý nghĩa, mờ nhạt đối với mục đích sản xuất, xuất khẩu của đất nước, hoặc không nên nhập khẩu và chỉ phục vụ nhu cầu của một nhóm người tiêu dùng có sức mua cao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay cả nước đã nhập khoảng 75.000 xe ô tô các loại, chủ yếu là xe dưới 9 chỗ ngồi, với kim ngạch 1,6 tỷ USD.

Rõ ràng, đây là con số không nhỏ xét trong bối cảnh thu nhập bình quân của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Mặt khác, do nhập ô tô liên tục trong nhiều năm qua nên lượng ngoại tệ phải bỏ ra lũy kế đến nay ngày càng lớn, vì thế tạo ra sự “chảy máu" ngoại tệ, cũng như góp phần gây ra nạn ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Tiếp theo là hoạt động nhập khẩu rau quả diễn ra dồn dập, đạt 1,15 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ, gây ra sự lo ngại từ các cơ quan hữu quan. Đây là vấn đề không dễ chấp nhận, bởi Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, vốn có nhiều thế mạnh sản xuất rau quả, cũng như không thiếu các loại rau quả chất lượng tốt.

Ngoài ra, còn có một số loại hàng hóa cần hạn chế nhập khẩu, nhưng vẫn được nhập về do nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu của các nhóm hàng cần kiểm soát đạt hơn 9 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Những diễn biến trên cho thấy, cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu, tự giác thực hiện tiết giảm nhập khẩu những mặt hàng không quá cần thiết, dành ngoại tệ cho mục đích thiết thực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn kỹ khi nhập khẩu hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.