Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng dự án đầu tư BT

Nguyên Lê| 10/11/2017 06:46

(HNM) - Với việc đổi đất lấy hạ tầng, các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) tại TP Hồ Chí Minh khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt trong khi hiệu quả đạt được không cao. Do đó, việc tìm ra mô hình mới nhằm khắc phục tình trạng trên thực sự trở thành cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án BT.


Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng giai đoạn 2015-2017, thành phố đã huy động được khoảng 20.400 tỷ đồng từ khu vực tư nhân thông qua hình thức hợp đồng BT cho các dự án phát triển hạ tầng. Hiện có tới 130 nhà đầu tư đang đề xuất và kiến nghị được tham gia đầu tư các dự án theo hợp đồng BT với tổng nguồn vốn đăng ký lên tới trên 380.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là chỉ định thầu, rất ít đấu thầu dẫn đến sự thiếu minh bạch. Trong khi đó, quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án khác để hoàn vốn đều không có cơ sở định giá nên dễ dẫn đến khả năng thất thoát lớn. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình chính sách công - MPP (Đại học Fulbright Việt Nam), việc đổi đất lấy hạ tầng theo kiểu hàng đổi hàng của hợp đồng BT thiệt hại chủ yếu thuộc về nhà nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong mô hình đối tác công tư (PPP), trong đó chủ yếu là hợp đồng BT tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả. Đơn cử, Khu đô thị Nam thành phố, sau gần 30 năm xây dựng, chỉ thành công khoảng 400ha trong tổng số 2.600ha. Hay tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, từ khi hình thành dự án đến nay (hơn 20 năm), vẫn chưa có công trình mang tính chất trọng điểm. Tính đến năm 2009, thành phố đã bỏ ra hơn 20.000 tỷ đồng để đền bù trực tiếp. Đến nay, phần lãi suất phải trả tính theo chi phí sử dụng vốn tương đương với chi phí bỏ ra, vậy nhưng khu đô thị này vẫn chưa định hình, chưa tạo ra nguồn thu ngân sách.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, thành phố cần tới 850.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20%. Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng hiện nay hình thức đầu tư BT vẫn được xem là giải pháp khả thi và có tiềm năng để giải bài toán về vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần hạn chế tối đa việc đổi đất lấy hạ tầng trong các hợp đồng BT. Đồng thời phải đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất thay cho hình thức chỉ định thầu đối với các dự án BT. Đặc biệt, để tăng giá trị của quỹ đất, thành phố cần thực hiện đấu giá công khai. Khu đất số 23, Lê Duẩn (quận 1) là minh chứng cho điều đó. Giá khởi điểm đấu giá của khu đất này chỉ 558 tỷ đồng, sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị của khu đất.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới thành phố sẽ xây dựng một quy trình mới liên quan đến dự án BT với các tiêu chí: Công khai xác định các dự án BT; chặt chẽ trong quy trình đàm phán xây dựng hợp đồng BT; minh bạch quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị mới đây bàn về công tác quản lý dự án BT, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố chủ trương những khu đất đẹp, có vị trí đắc địa ở trung tâm phải đấu giá chứ không đổi đất lấy hạ tầng theo BT. Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng quy trình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức BT bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, tài sản nhà nước... tránh tình trạng lợi ích nhóm, ngăn ngừa tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng dự án đầu tư BT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.