Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác: Nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác

Quỳnh Dung| 10/11/2017 07:02

Để nâng cao giá trị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năm 2017, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi tổng diện tích 1.600ha trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp hơn.

Thu hoạch hoa hồng tại huyện Mê Linh (Hà Nội).


Chuyển đổi còn chậm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến năm 2016, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa toàn thành phố được 2.911ha, trong đó trên đất hai vụ lúa 213ha, trên đất một vụ lúa 808ha. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi còn chậm so với lợi thế, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp chưa cao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Trong những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Mê Linh bước đầu đã mang lại hiệu quả. Huyện đã thẩm định và chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 81 hộ gia đình với tổng diện tích 41ha tại các xã Tự Lập, Liên Mạc, Tiến Thắng, Tam Đồng, Kim Hoa… Năm 2016 huyện Mê Linh đã phê duyệt phương án chuyển đổi của 12 hộ với diện tích 7,05ha. Năm nay, huyện hướng dẫn 69 hộ tiếp tục chuyển đổi số diện tích còn lại.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi trên địa bàn huyện Mê Linh gặp khó khăn, lúng túng do các hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi nhưng chưa chủ động liên hệ với các xã, thị trấn để được hướng dẫn quy trình, thủ tục lập phương án.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá: Hiện, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa ở các địa phương diễn ra còn chậm do một số sản phẩm nông nghiệp đầu ra không thuận lợi, giá cả bấp bênh. Cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Quy hoạch chi tiết vùng chuyển đổi

Nhằm khắc phục những hạn chế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, năm 2017, Hà Nội tiếp tục chuyển đổi tổng diện tích 1.600ha trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả, cây hoa màu có giá trị kinh tế cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này - gần hết chặng đường của năm 2017, có thể thấy để việc chuyển đổi đất trồng lúa trên diện rộng đạt hiệu quả cao hơn, có rất nhiều việc cần làm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho rằng: Các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ cho địa phương về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng như đường điện, hệ thống thủy lợi tại các vùng chuyên canh tập trung; hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao...

Ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, mở rộng vùng chuyển đổi sao cho phù hợp quy hoạch đã được thành phố phê duyệt. Huyện luôn khuyến khích các xã, thị trấn tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhưng phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng sản xuất manh mún, dàn trải, mạnh ai nấy làm; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, hiện ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê, quy hoạch những diện tích đang sản xuất lúa thuộc diện cần chuyển đổi; tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và chế biến; thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác: Nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.