Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng không rõ nguồn gốc

Ngọc Quỳnh| 10/11/2017 07:04

(HNM) - Hà Nội vừa triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, trong đó có việc ứng dụng mã hình Qrcode. Đây là một trong những việc làm cần thiết để khắc phục tình trạng trái cây bán tràn lan mà không rõ nguồn gốc, nhãn mác, gây khó khăn cho công tác quản lý.


Qua rà soát của Sở NN& PTNT Hà Nội: Diện tích trồng cây ăn quả của thành phố là 15.726ha, tập trung ở vùng đồi gò và đất bãi ven sông thuộc các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh... với sản lượng 230 nghìn tấn trái cây/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Số lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài.

Toàn thành phố có 2 chợ đầu mối và 5 chợ hoạt động với tính chất đầu mối, trong đó hoạt động kinh doanh rau, củ, trái cây tập trung ở chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ Long Biên (quận Ba Đình), sau đó được tư thương thu gom bán lẻ ở các chợ dân sinh. Song, rất ít trái cây có địa chỉ, thương hiệu rõ ràng và được bao gói, bảo quản cẩn thận từ khâu thu hoạch đến tiêu thụ tại chợ đầu mối. Phần lớn trái cây bày bán được chứa đựng trong thùng xốp, giấy, gỗ... thô sơ, không tem nhãn.

Theo Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai Đào Văn Đô: Chợ đầu mối Minh Khai chuyên kinh doanh rau, củ, quả và thịt gia súc, gia cầm, với tổng số 700 hộ kinh doanh nhưng chỉ có 200 hộ kinh doanh cố định còn lại là vãng lai. Có khoảng 10 hộ kinh doanh trái cây với số lượng vài chục tấn/ngày nhưng chỉ một hộ bán trái cây có địa chỉ nhập hàng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...

Hiện nay, ngoài thu gom tại chợ đầu mối, tư thương còn mua trực tiếp ở các vùng trồng cây ăn quả, nên công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Nhàn, chủ cửa hàng buôn bán trái cây tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: "Do vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, phân tán nên người dân chưa quan tâm đến việc dán tem nhãn. Trong khi đó người tiêu dùng ít khi hỏi về sản phẩm trái cây có sản xuất theo quy trình an toàn hay không mà chỉ nhìn vào mẫu mã quả còn tươi, ngon là mua".

Trên thực tế, các chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây trên địa bàn thành phố được cấp giấy chứng nhận an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT còn ít và chưa có nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện việc hướng dẫn, kết nối nguồn cung cấp trái cây an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố…

Trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, trong đó có việc ứng dụng mã hình Qrcode để truy xuất nguồn gốc. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Để thực hiện việc quản lý trái cây hiệu quả, từ tháng 1 đến tháng 12-2018, Chi cục sẽ tổ chức lấy mẫu trái cây tại chợ đầu mối, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng đã được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm trái cây an toàn để kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nếu phát hiện các mẫu trái cây vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Đồng thời, thí điểm xây dựng hệ thống thông tin bảo đảm truy xuất nguồn gốc trái cây ứng dụng mã hình Qrcode để truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động, xác thực chống hàng giả phục vụ công tác quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.

Theo chủ cửa hàng thực phẩm sạch CleverFood Hà Minh Đức: Việc TP Hà Nội triển khai thực hiện đề án quản lý trái cây là cần thiết để minh bạch việc bán trái cây trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn có địa chỉ, tem nhãn. Đồng thời từng bước dẹp bỏ cửa hàng bán trái cây ở các chợ dân sinh, vỉa hè không rõ nguồn gốc, để sản phẩm trái cây an toàn có mặt ở hầu hết hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ bán lẻ nhằm nâng cao giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng không rõ nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.