Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm phù hợp thực tế

Hương Ly| 16/11/2017 06:51

(HNM) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực. Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 15-11, các đại biểu Quốc hội thống nhất, phải xây dựng luật phù hợp với thực tế hiện nay.

Luật Cạnh tranh có vai trò quan trọng bảo đảm môi trường hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.Ảnh: Bá Hoạt


Nhiều hạn chế, bất cập

Sau 12 năm Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống (luật có hiệu lực từ năm 2005), sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã khiến luật bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sớm được sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Bình) cho rằng: Tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt. Dẫn thống kê của cơ quan chức năng trong 12 năm qua, có 8 vụ điều tra chính thức được kết luận là “tác động hạn chế cạnh tranh”, trung bình mỗi năm chỉ xảy ra 0,7 vụ. Trong khi đó, theo đại biểu, với môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh đang hoàn hảo. “Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ: Giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng...” - đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc nêu.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hạn chế về nhận thức của người dân, doanh nghiệp, xã hội và các cơ quan nhà nước về những quyền, nghĩa vụ liên quan cạnh tranh khiến chúng ta chưa tạo đủ động lực để các cá nhân, tổ chức lên tiếng đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì vậy, sửa đổi luật phải xử lý được nguyên nhân này mới mong tạo ra một diện mạo mới cho thực thi pháp luật cạnh tranh. Hiện nay, người dân và doanh nghiệp thường cho rằng, khi gặp vụ việc cạnh tranh thì chỉ có quyền kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh. Đại biểu đề nghị, cần nêu rõ trong luật là khi có vấn đề liên quan cạnh tranh, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có quyền kiện ra tòa án dân sự chứ không nhất thiết là phải qua cơ quan quản lý cạnh tranh.

Khẳng định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu thực trạng, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bán lẻ, dược phẩm, khám chữa bệnh, vận tải, văn hóa... từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước mà các cơ quan quản lý nhà nước hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Chuyển giá, mua bán sáp nhập ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn…

Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, thời gian qua, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng cơ quan quản lý cạnh tranh không lên tiếng. Trong khi đó, các cơ quan khác phải loay hoay tìm giải pháp hành chính can thiệp một cách phi thị trường...

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Phiên thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật. Nêu dẫn chứng về việc hệ thống rạp phim CGV hiện chiếm đến 40% số rạp chiếu, đã và đang chi phối thị trường điện ảnh Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, phim Việt khó vào hệ thống rạp này nếu không thống nhất được tỷ lệ ăn chia. Nếu doanh nghiệp trong nước để mất hệ thống rạp thì khó đưa được phim Việt vào rạp.

Một nội dung của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia. Về mô hình của cơ quan này, có 2 nhóm ý kiến: Thứ nhất, cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Thứ hai, cơ quan cạnh tranh quốc gia độc lập, thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc.

Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, cơ quan cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương sẽ không khách quan. Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long), Cục Quản lý cạnh tranh ngoài thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và phòng vệ thương mại.

Trong khi đó, Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan phối hợp liên ngành đại diện cho 11 bộ, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Với cách tổ chức như vậy, cơ quan quản lý cạnh tranh không bảo đảm vai trò độc lập. Mặt khác, Cục Quản lý cạnh tranh lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cả 3 lĩnh vực dẫn đến quá tải. Vì thế, việc xây dựng cơ quan duy nhất có chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý rộng hơn, bao quát hơn về cạnh tranh là phù hợp.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nếu cơ quan cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương thì sẽ có vướng mắc khi một bộ thuộc Chính phủ vừa đại diện phần vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, lại vừa chủ trì điều tra cạnh tranh. Tuy nhiên, sắp tới nếu tách phần vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp thì sẽ không còn quá nặng nề về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia lại thuộc Bộ Công Thương, vì lúc đó vẫn bảo đảm sự minh bạch, khách quan của cơ quan này.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đây là lần đầu các đại biểu Quốc hội góp ý về dự án luật. Bộ trưởng Bộ Công Thương và cơ quan soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện dự án luật, tiếp tục trình Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm phù hợp thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.