Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn thiếu vắng nhà đầu tư chiến lược

Hồng Sơn| 21/11/2017 07:36

(HNM) - Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc tìm các nhà đầu tư chiến lược luôn gặp thách thức, đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí của đơn vị cần cổ phần hóa...


Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cổ phần hóa (CPH) hơn 4.500 doanh nghiệp, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được. Tính chung, kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước kết hợp với thu hút vốn đầu tư tư nhân. Ngoài ra, đa số các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp quy mô lớn đều chưa thu hút được cổ đông chiến lược. Trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt để bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán thành công, tức chưa đến 50% con số được phê duyệt. Hiện chỉ có 6/46 số các phương án đã phê duyệt (chiếm 13%) có tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược đạt hơn 50%.

Như vậy, kết quả thu được sau nhiều năm CPH không đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ. Hậu quả, Nhà nước chậm thu về một lượng vốn lớn để giải quyết các nhu cầu về kinh tế - xã hội, nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển hạ tầng. Mặt khác, sự chậm trễ trong CPH đã tạo ra tâm lý băn khoăn khi đầu tư, mua lại cổ phần của doanh nghiệp từ phía các nhà đầu tư nước ngoài...

Nguyên nhân được chỉ ra là cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là do tâm lý của hầu hết chức danh quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi như yêu cầu, vẫn lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Trước thực trạng trên, Chính phủ, các cơ quản lý đang tập trung rà soát, phân tích tình hình để tìm biện pháp khắc phục, nhằm đẩy nhanh tốc độ CPH.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần xác định bản chất CPH doanh nghiệp nhà nước chính là quá trình tư nhân hóa. Nếu thể hiện như vậy sẽ là một bước khẳng định chính thức từ cấp vĩ mô và tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nhiều ý kiến cũng đồng thuận rằng, mục đích xuyên suốt là làm sao thu hút được nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư chiến lược không chỉ mua cổ phần, mà còn tham gia vào hoạt động quản trị, xác lập định hướng phát triển và đưa ra ý kiến để mở rộng thị trường, sản phẩm mới, cũng như gia tăng quy mô hoạt động của một doanh nghiệp sau khi CPH thành công.

Các doanh nghiệp đang chuẩn bị thực hiện CPH cũng cần tự nâng cấp về năng lực quản trị, công bố công khai về công nợ... theo hướng minh bạch. Một số đơn vị đã thành công trong CPH nhờ thực hiện thẩm định chi tiết một cách bài bản thông qua thuê tư vấn và chuyên gia nước ngoài như Vietcombank, Vietnam Airlines, Petrolimex... là những bài học đáng tham khảo. Các cấp quản lý cần hoàn thiện quy định, cơ chế liên quan đến vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhấn mạnh đến yêu cầu về tiêu chí; bảo đảm sự công bằng với nhà đầu tư trong nước và quốc tế...

Theo chỉ đạo của Chính phủ, cần kiên quyết thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc không cần tham gia đầu tư để tập trung vốn cho đầu tư phát triển các công trình, dự án quan trọng khác thuộc những lĩnh vực then chốt, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đây là việc làm cần thiết để gia tăng nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn thiếu vắng nhà đầu tư chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.