Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán qua điện thoại di động - Xu thế tất yếu

Hà Linh| 28/11/2017 06:54

(HNM) - Thay vì phải đến ngân hàng, giờ đây chỉ với một chiếc máy tính hay điện thoại có kết nối internet, khách hàng có thể thực hiện được nhiều giao dịch thanh toán điện tử, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động. Dự báo, hình thức thanh toán này sẽ tiếp tục tiến xa hơn và là xu thế tất yếu trong thời gian tới...

Hình thức thanh toán qua điện thoại di động ngày càng phát triển.


Hơn 90 triệu giao dịch thanh toán

Xu hướng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện thực hiện giao dịch thanh toán trong những năm gần đây đã hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp cận tới khách hàng, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán đến những khu vực mà mạng lưới ngân hàng chưa bao phủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đến nay có hơn 40 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng nhanh. Chỉ riêng từ đầu năm đến trung tuần tháng 11, số lượng thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 90 triệu giao dịch, giá trị 423.000 tỷ đồng. Một số ngân hàng thương mại bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, truyền hình cáp, phí bảo hiểm...

Không chỉ có ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử thông qua internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động do có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao. Đến nay, số lượng thuê bao di động có phát sinh lưu lượng ước đạt gần 130 triệu, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao. Một số mô hình thanh toán đã được phép triển khai thí điểm có ứng dụng trên nền tảng mạng điện thoại di động, như dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty cổ phần Di động trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

Nhiều thách thức

Rõ ràng, việc phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam đã tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại. Đồng thời, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Với những điều kiện thuận lợi về tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động có kết nối 3G ở mức cao, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông, quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức trong lĩnh vực thanh toán điện tử nói chung và thanh toán qua điện thoại di động nói riêng. Sự hình thành các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia vào lĩnh vực thanh toán khiến việc xây dựng, phát triển và giám sát các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới không dễ dàng. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử có nhiều diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi hơn, do đó các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật. Đặc biệt, cần hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả.

Cùng với hành lang pháp lý, thói quen thanh toán bằng tiền mặt..., là những trở ngại cho người tiêu dùng và sự phát triển chung của thị trường. Theo chuyên gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, người tiêu dùng vẫn chưa có đầy đủ hiểu biết về các phương thức thanh toán mới nên giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, nên nhiều người không có tài khoản tại ngân hàng. Các yếu tố và giải pháp công nghệ mới trong dịch vụ tài chính chưa phổ biến tại Việt Nam dẫn đến quy trình cung cấp dịch vụ thanh toán di động chưa nhanh, chưa tối ưu hóa chi phí và chưa linh hoạt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thanh toán di động là xu thế tất yếu. Phương thức thanh toán này mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, nên sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh, mỗi ngân hàng, tổ chức cung ứng cần có chiến lược riêng dựa trên việc xem xét các thế mạnh, thị trường và phân khúc mục tiêu nhằm áp dụng công nghệ phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán qua điện thoại di động - Xu thế tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.