Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn

Ngọc Quỳnh| 11/12/2017 07:06

(HNM) - Sau hơn 8 năm thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, mặc dù còn khó khăn ở khâu tiêu thụ, nhưng hiệu quả đạt khá tốt, đáp ứng nhu cầu về chất lượng rau an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thu nhập cao cho nông dân Hà Nội.

Chăm sóc rau sạch tại HTX Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Hiệu quả bước đầu

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội: Hiện, tổng diện tích trồng rau của thành phố là 32.290ha, năng suất 207 tạ/ha, sản lượng năm 2017 là 670.089 tấn (tăng 36,1% so với năm 2008), đáp ứng khoảng 67% nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô; còn lại nhập từ các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Đến nay, diện tích rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất đạt 5.044ha; trong đó, mỗi năm, Chi cục phân tích từ 300 đến 1.000 mẫu rau thì chỉ có 1-2% mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Kết quả quan trọng nhất là nông dân thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định; bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường đồng ruộng. Đáng lưu ý, trồng rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình đạt 200-500 triệu đồng/ha/ năm, có mô hình đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm...

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 200ha đất canh tác đã chuyển sang trồng rau an toàn, tập trung ở 5 xã: Tân Phú, Cộng Hòa, Nghĩa Hương, Yên Sơn và Phượng Cách. Nhìn chung, mô hình rau an toàn ở các xã đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với cấy lúa.

Để sản xuất rau an toàn bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết: Đến nay, toàn thành phố đã có 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích 2.000ha. Cùng với việc tập huấn về quản lý dịch hại (IPM) trên cây trồng cho người trồng rau, kiến thức an toàn thực phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng được đặc biệt quan tâm. Về sơ chế rau an toàn, hiện đã xây dựng 8 cơ sở chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp với công suất 200-1.000 kg/ngày. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn còn khó khăn, như: Đa số các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; quản lý sản xuất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ lớn (hơn 200 nghìn hộ)...

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Đến năm 2020, thành phố duy trì 5.100ha rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm; phát triển 3.000-4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha/ năm; bảo đảm 100% sản phẩm rau được truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm...

"Để thực hiện được việc này, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại IPM trên cây rau; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu, đánh giá sự phù hợp của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để ứng dụng cho sản xuất rau của Hà Nội" - ông Hồng nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Để rau an toàn phát triển ổn định, bền vững, các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau khi lưu thông, thương mại trên thị trường. Chính phủ nên ban hành chính sách đặc thù cho Hà Nội hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn. Bộ NN&PTNT quan tâm sửa đổi bất cập việc cấp Giấy chứng nhận sản xuất VietGAP, ban hành quy định về sản xuất và kinh doanh rau hữu cơ.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ; tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn - thực phẩm và xử lý vi phạm. Đồng thời, thành phố nên lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn để đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.