Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa như mong muốn

Quỳnh Dung| 20/12/2017 06:40

(HNM) - Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nông dân tham gia chuỗi liên kết vẫn có thu nhập thấp và chịu rủi ro cao...

Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Sơn Hà


Kết quả rà soát của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), với diện tích trồng lúa là 7,75 triệu héc ta, sản lượng thóc cả nước đạt hơn 45 triệu tấn. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, thu về 2,2 tỷ USD. Gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 150 nước trên thế giới, nhưng các thị trường tiêu thụ lớn như: Trung Quốc (chiếm khoảng 40% thị phần), Philippines (từ 17 đến 20%)... chỉ có nhu cầu chất lượng gạo thấp. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Hội Sinh học Hà Nội cho biết: Mặc dù năng suất, sản lượng lúa tăng liên tục nhưng người nông dân trồng lúa thu nhập vẫn thấp và chịu rủi ro cao bởi mối liên kết thiếu chặt chẽ. Trong đó, điểm yếu nhất vẫn là khâu liên kết với doanh nghiệp để đầu tư giống, vật tư nông nghiệp...

Ngoài ra, việc phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác kinh doanh khác còn bất cập, cộng với công nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo chưa phát triển ở mức độ cao nên khả năng cạnh tranh thấp. Ở những vùng trồng lúa, hệ thống sấy sản phẩm còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Hơn nữa, doanh nghiệp tham gia chuỗi còn ít, thiếu liên kết dọc để quản lý chất lượng; phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết: Phú Xuyên là một trong 3 vùng trọng điểm canh tác lúa của TP Hà Nội, với diện tích gieo cấy trung bình hơn 8.000ha/vụ. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện đã chú trọng lựa chọn, khoanh vùng, hướng dẫn nông dân canh tác đúng kỹ thuật đối với các giống lúa ngắn ngày nhằm bảo đảm năng suất ổn định, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Phú Xuyên đã quy hoạch 31ha trồng lúa chất lượng cao ở thị trấn Phú Xuyên và đang xây dựng chuỗi liên kết. Tuy nhiên, sản xuất vẫn thiếu tính bền vững do gặp rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh và không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá cả bấp bênh. Nông dân vẫn canh tác theo phương thức cũ, chưa có thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thu mua trong chuỗi.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh có trụ sở ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết: Doanh nghiệp đang liên kết với một số tỉnh, thành phố để thu mua lúa gạo cho nông dân, nhưng để sản xuất lúa gạo theo chuỗi phát triển tốt, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp vốn, xây dựng thương hiệu. Các hợp tác xã, người dân tham gia chuỗi cam kết về chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt bảo đảm đủ số lượng hàng hóa cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Muốn xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo đạt hiệu quả, chính quyền địa phương nên quy hoạch vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu quốc gia giúp nông dân sản xuất theo hướng thị trường. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, hạn chế tiêu thụ sản phẩm thô. Chỉ khi hội đủ các yếu tố trên, chuỗi liên kết mới thật sự mang lại lợi ích cho các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa như mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.