Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuối năm, tỷ giá vẫn bình ổn

Hà Linh| 23/12/2017 07:45

(HNM) - Không biến động như những năm trước, tỷ giá vẫn diễn ra bình lặng trong những ngày giao dịch cuối năm 2017. Có thể nói, năm 2017 tiếp tục là một năm thành công trong việc giữ bình ổn tỷ giá, nâng cao giá trị VND của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá USD so với VND được điều chỉnh giảm nhẹ trên thị trường. Ảnh: Huy Khánh


Bình lặng thị trường ngoại tệ

Thông thường vào dịp cuối năm, tỷ giá trong nước biến động mạnh, chủ yếu theo hướng tăng, do nhu cầu sử dụng đồng USD của doanh nghiệp và người dân tăng cao. Thế nhưng, không giống như các năm trước, thị trường tiền tệ trong những ngày cuối năm 2017 diễn ra khá bình lặng. Tính đến trung tuần tháng 12-2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,29% so với đầu năm, trong khi tỷ giá tại ngân hàng thương mại giảm 0,18%, còn tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,45%. Ngay cả kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản đồng USD cũng không ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước. Giá USD so với VND không những không tăng, mà còn được điều chỉnh giảm nhẹ trên thị trường chính thức lẫn thị trường tự do.

Trong lần điều chỉnh mới đây nhất của FED (giữa tháng 12-2017), thị trường tỷ giá trong nước không có sự thay đổi so với trước. Cụ thể, FED nâng lãi suất cơ bản đồng USD từ 1,25% lên 1,5%. Đối với thị trường tiền tệ trong nước, ngay sau khi FED điều chỉnh lãi suất, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 7 VND, xuống còn 22.443 VND. Với biên độ +/-3% như quy định, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được áp dụng là 23.116 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.770 VND/USD. Nhưng trên thực tế, các ngân hàng không điều chỉnh tỷ giá, mà tiếp tục duy trì giá USD như mức của những ngày trước, quanh ngưỡng 22.680 VND/USD (mua vào) và 22.750 VND/USD (bán ra), thậm chí có ngân hàng còn giảm nhẹ, với mức giảm 5-10 VND/USD.

Cùng với thị trường chính thức, tỷ giá USD trên thị trường tự do có sự đảo chiều, với mức giảm khoảng 1.000 VND/USD so với đầu năm, giao dịch phổ biến ở mức 22.800 VND/USD, thay vì 23.000 VND/USD. Như vậy, nếu bán USD từ đầu năm để gửi tiết kiệm bằng VND để mua USD vào cuối năm, người gửi không những được hưởng lãi suất VND, mà còn được hưởng phần chênh tỷ giá. Thực tế cho thấy, tỷ giá tăng hay giảm phụ thuộc vào cung - cầu ngoại tệ, tỷ giá trung tâm, tâm lý của người dân… Mặc dù tỷ giá trung tâm tăng, nhưng do tình trạng đầu cơ, nhu cầu USD của doanh nghiệp, người dân không cao, cộng với chính sách điều hành hợp lý nên thị trường ngoại tệ biến động tích cực, trái chiều so với mọi dự báo.

Lý giải về sự bình lặng của tỷ giá, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định, việc FED tăng lãi suất không phải bất ngờ. Nền kinh tế của Mỹ năm 2017 tăng trưởng mạnh, dự báo khoảng 2,2%, cao hơn nhiều so với năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, khoảng 4,2% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 2017 hồi phục tốt. Những điều kiện này đủ để FED tăng lãi suất với USD. Việc FED tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến VND, nhưng tác động không lớn, bởi các doanh nghiệp đều có dự báo, tính toán trước nên có thể dự trù chi phí, tỷ giá, lãi suất.

Những dự báo lạc quan

TS Cấn Văn Lực dự báo, tình trạng ngoại tệ của Việt Nam vẫn khá dồi dào và sẽ không thay đổi trong đầu năm 2018. Bởi, theo Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 46 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Ngoài ra, lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam tiếp tục tăng, ước tính đạt gần 14 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2016, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Như vậy, áp lực lên điều chỉnh tỷ giá không lớn, nên dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm 2017, cũng như đầu năm 2018.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sang năm 2018, các nhân tố hỗ trợ cho tỷ giá tương đối vững chắc, trong đó có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam mà khối đầu tư trực tiếp nước ngoài đang là đầu tàu cho tăng trưởng và xuất siêu. Đóng góp của khối này cho xuất siêu trong năm 2018 rất quan trọng, từ đó tạo thặng dư cán cân tổng thể và ổn định tỷ giá. Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng sẽ mang đến nguồn cung USD lớn trong thời gian ngắn, giúp gia tăng nội lực để giảm sốc nếu trên thị trường thế giới có những biến cố bất ngờ.

Chẳng hạn như Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với tổng số lượng chào bán là 343.682.587 cổ phần. Mức giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phần, trong đó một cá nhân đăng ký mua 20.000 cổ phần và một tổ chức đăng ký mua trọn lô 53,59% cổ phần. Dự kiến, thương vụ thoái vốn thành công tại Sabeco đóng góp vào ngân sách 4,85 tỷ USD. Số ngoại tệ này cũng góp phần ổn định tỷ giá USD/VND cuối năm 2017 và năm 2018. Nhìn chung, sau khi đánh giá các nhân tố chủ quan và khách quan, ông Nguyễn Đức Hùng Linh có cái nhìn lạc quan về tình hình tỷ giá trong năm 2018.

Tuy nhiên, trong một báo cáo mới nhất từ Ngân hàng ANZ có nhận định, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn kiều hối và thặng dư thương mại, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ chủ động giữ tỷ giá ổn định. Nhưng, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng nhẹ trong những năm tới, dự báo cuối năm 2018 ở mức 22.900 VND/USD và tháng 6-2019 đạt 23.000 VND/USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuối năm, tỷ giá vẫn bình ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.