Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết để phát triển chăn nuôi bền vững

Sơn Tùng| 29/12/2017 07:39

(HNM) - Những bất cập, tồn tại trong ngành Chăn nuôi thời gian qua khiến hàng triệu hộ gia đình lâm cảnh khó khăn...


Kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN& PTNT) trong năm 2017 trên 6 sản phẩm chăn nuôi (lợn thịt, lợn sữa, bò thịt, bò sữa, gà thịt và gà trứng) tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy: Lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm chăn nuôi có sự chênh lệch khá lớn giữa hộ chăn nuôi đơn lẻ không có liên kết với hộ chăn nuôi có liên kết. Ví dụ như hộ chăn nuôi không liên kết chi phí sản xuất là 1.440 đồng/quả trứng, trong khi hộ chăn nuôi liên kết là 1.370 đồng/quả trứng. Còn hộ chăn nuôi lợn không liên kết giá thành sản xuất là 32.700 đồng/kg thịt lợn hơi, trong khi liên kết chỉ 32.200 đồng/kg. Lợi ích là vậy, nhưng liên kết sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ hiện nay còn ít và lỏng lẻo… Hiện cả nước chỉ có 120 chuỗi cung ứng sản phẩm và 350 mô hình liên kết trong chăn nuôi. Tại Hà Nội, đến nay cũng chỉ xây dựng được 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cuối năm 2016 và đầu năm 2017, nhiều sản phẩm chăn nuôi rơi vào tình trạng phát triển nóng, dư thừa nguồn cung do khâu tổ chức sản xuất, kết nối người chăn nuôi với thị trường yếu kém. Phần lớn người chăn nuôi theo hiệu ứng đám đông, thiếu kế hoạch và liên kết. Thực tế, nếu người chăn nuôi không tổ chức chăn nuôi theo chuỗi thì những khó khăn, bất cập về cung - cầu, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi sẽ khó có thể khắc phục triệt để.

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cho hay: Để thực hiện được chuỗi liên kết, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn từ con giống, thức ăn chăn nuôi, quản lý chất lượng, đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu… Trong khi nông nghiệp là ngành lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Riêng một nhà máy xử lý, chế biến trứng an toàn của doanh nghiệp đầu tư tại huyện Phúc Thọ đã lên tới hơn 100 tỷ đồng ở giai đoạn đầu tiên.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Hiện thiếu doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối của chuỗi đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói sản phẩm thành phẩm. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi còn nhiều khó khăn, công tác giám sát chuỗi tại cơ sở cũng còn hạn chế do các chuỗi thiếu khung pháp chế để ràng buộc lẫn nhau khi thực hiện các hợp đồng liên kết. Chưa có nhiều đơn vị là đầu mối có tư cách điều hòa lợi ích và bảo vệ thực hiện hợp đồng liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi.

Tại hội thảo "Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị" vừa diễn ra, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: "Nếu chúng ta chỉ hô hào chung tay giải cứu chăn nuôi khi các sản phẩm chăn nuôi bị dư thừa thì chưa đủ, đó mới chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời". Theo ông Dương, phải có chính sách hỗ trợ thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn dắt nông hộ thâm nhập thị trường. Trên cơ sở kiến nghị từ cơ sở và doanh nghiệp, Cục Chăn nuôi sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ sửa đổi chính sách giúp ngành Chăn nuôi phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để phát triển chăn nuôi bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.