Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sự phát triển chung

Nguyễn Mai| 19/01/2018 07:01

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thiết thực, hiệu quả

Trường THCS xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai được xây dựng 2 tầng với hàng chục phòng học khang trang vừa được khánh thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Đây là công trình do quận Ba Đình hỗ trợ xây dựng với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Động Trần Đình Tuyến cho biết: "Tháng 11-2017, khi nhận bàn giao ngôi trường mới, thầy trò và nhân dân trong xã rất phấn khởi. Cơ sở hạ tầng của nhà trường được đầu tư đồng bộ, học sinh không phải học nhiều ca nữa. Công trình cũng góp phần hoàn thiện tiêu chí trường học, giúp xã đạt đủ các tiêu chí đề nghị thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017”.

Trường THCS xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) được đầu tư xây dựng khang trang nhờ kinh phí do quận Ba Đình hỗ trợ.


Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, thời gian qua, huyện Thanh Oai đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực của quận Thanh Xuân và Ba Đình trong xây dựng trường học đạt chuẩn. Đây là việc làm không chỉ thể hiện tình cảm, trách nhiệm với huyện Thanh Oai, mà còn hướng tới mục tiêu chung lớn hơn là phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố. Theo bà Lê Thị Hà, trước đây do thiếu vốn đầu tư nên nhiều trường học của huyện xây dựng từ 2 đến 3 năm mới hoàn thành, giáo viên, học sinh phải đi học nhờ, học tạm, học ghép, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Với sự tăng cường hỗ trợ của các quận, công tác đầu tư xây dựng được triển khai nhanh hơn. Điển hình như Trường THCS Đỗ Động được triển khai xây dựng trong vòng 5 tháng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Không riêng huyện Thanh Oai, người dân ngoại thành thấy ấm lòng khi được các quận hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, quận Hà Đông và Hoàn Kiếm đã hỗ trợ huyện xây dựng các nhà văn hóa đạt chuẩn. Còn huyện Thường Tín được quận Hà Đông và Hai Bà Trưng hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", các quận đã hỗ trợ các huyện hơn 228,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một số quận hỗ trợ số kinh phí lớn như: Thanh Xuân hỗ trợ 111 tỷ đồng cho 3 huyện (Ba Vì, Đông Anh và Quốc Oai); Long Biên hỗ trợ huyện Mỹ Đức 25 tỷ đồng; Ba Đình hỗ trợ huyện Thanh Oai 20 tỷ đồng; Hà Đông hỗ trợ 15 tỷ đồng cho 3 huyện (Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín); Đống Đa hỗ trợ huyện Sóc Sơn 15 tỷ đồng... Số tiền này chủ yếu được sử dụng vào xây dựng các nhà văn hóa thôn, trường học tại các xã, nhất là xã nghèo, khó khăn...

Thể hiện tình cảm chia ngọt sẻ bùi

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, nhờ kinh phí hỗ trợ của các quận, nhiều xã đã giảm bớt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là mong mỏi chung của các huyện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. “Trong điều kiện có thể, các quận nên hỗ trợ các huyện xây dựng trạm y tế, trường học đạt chuẩn, nhất là các huyện còn nhiều khó khăn” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.

Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, để đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới, thành phố sẽ phải huy động đa dạng các nguồn lực (ngân sách nhà nước các cấp, xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân). Hà Nội là Thủ đô, khi xây dựng nông thôn mới thì mọi thành phần đều có trách nhiệm tham gia. Đây là việc làm của cả thành phố chứ không phải của riêng khu vực nông thôn. So với thực lực, kinh phí hỗ trợ của các quận cho các huyện thời gian qua vẫn còn khiêm tốn.

Ông Lê Thiết Cương đề xuất, thành phố nên phân rõ trách nhiệm các quận hỗ trợ cụ thể các huyện, không phát động chung chung. Các quận bàn với các huyện được phân công thống nhất nội dung công trình hỗ trợ, ưu tiên tập trung cho những xã đăng ký phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trong năm 2018. Ngược lại, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới phải chủ động bố trí ngân sách địa phương và vận động nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng nông thôn mới... "Những hỗ trợ cụ thể từ các quận dành cho các huyện không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn thể hiện tình cảm gắn bó chia ngọt sẻ bùi" - ông Lê Thiết Cương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sự phát triển chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.