Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao phương tiện, giúp thoát nghèo

Linh Nhi| 20/01/2018 07:29

(HNM) -

Nhờ phương tiện cơ giới, người nghèo có điều kiện sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Thái Hiền


Chọn người trao phương tiện

Trước thềm năm mới 2018, gia đình ông Đinh Văn Biên, hộ nghèo ở thôn Sơn Hô, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) ai nấy đều phấn khởi vì có thêm niềm vui mới đón xuân. Đó là gia đình ông vừa được Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" của huyện và xã tặng chiếc máy làm đất đa năng cùng tiền mặt để đầu tư sản xuất. Nay có công cụ tiên tiến rồi, lại được Hội Nông dân xã cùng Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hô tận tình hướng dẫn cách sử dụng máy làm đất hiệu quả, nên gia đình ông Biên quyết định thay đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng và tích cực lao động để sớm thoát nghèo, tiến tới làm giàu ngay tại quê hương, không còn phải tha phương kiếm sống...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm cho biết, nét mới trong công tác xóa nghèo của huyện là xét hoàn cảnh để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Hộ nào cần phương tiện sản xuất, cây, con giống thì hỗ trợ như thế; hộ nào nhà cửa dột nát thì hỗ trợ nguyên liệu, nhân công, tiền mua sắm vật dụng; hộ nào gặp hoạn nạn hoặc tàn tật mà “rơi” vào diện nghèo thì hỗ trợ về y tế... Mức hỗ trợ tùy hoàn cảnh cụ thể, từ 3 đến 15 triệu đồng/hộ.

Tại huyện Ba Vì, một trong những huyện nhiều hộ nghèo nhất thành phố, đang có nhiều đổi mới trong công tác xóa nghèo và đạt kết quả rõ nét trong năm 2017 vừa qua. Như việc vận động ủng hộ người nghèo toàn huyện được hơn 1,4 tỷ đồng (đạt 110% kế hoạch thành phố giao). Từ nguồn đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) từ 7,3% xuống còn 4,8%. Bà Phan Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ bí quyết: Sở dĩ công tác vận động ủng hộ người nghèo và giảm nghèo huyện Ba Vì đạt kết quả như trên là nhờ hoạt động tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh; việc thu, chi quỹ hết sức minh bạch, công khai tại các cuộc họp, hội nghị để nhân dân cùng giám sát; trao tiền, quà đúng đối tượng cần trợ giúp và theo phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”. Ngoài ra, huyện áp dụng biện pháp huy động được ủng hộ của xã nào thì chi cho giảm nghèo chính xã đó trước, sau đó mới mở rộng sang các xã khác để mọi người dân thấy rõ kết quả đồng tiền mà họ đóng góp cho người nghèo.

Đối với những hộ ở nội thành, người nghèo hầu hết được trao phương tiện lao động, sản xuất để thoát nghèo là xe máy để chở khách; máy ép nước hoa quả; đồ sửa chữa và rửa xe máy, ô tô; bàn ghế, vật dụng bán hàng ăn uống...

Để thoát nghèo bền vững


Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sở, ngành từ thành phố đến địa phương, hiện nay việc giúp đỡ người nghèo còn nhận được sự tham gia tích cực từ các cơ quan, doanh nghiệp cho đến từng nhóm nhỏ các câu lạc bộ, hội, đoàn thể dù là môi trường trực tiếp hay gián tiếp qua mạng xã hội, internet. Đơn cử như Câu lạc bộ Nông dân khởi nghiệp miền Bắc quy tụ nhiều doanh nhân ở Hà Nội. Tuy mới thành lập vài tháng nhưng các thành viên hỗ trợ nhau rất đắc lực về kinh nghiệm, kiến thức, trình độ, kỹ năng, phương tiện, công cụ sản xuất, kinh doanh, hay “đầu ra” cho sản phẩm...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Đình Đức, Hà Nội hiện còn 44.412 hộ nghèo và 43.088 hộ cận nghèo. Họ đang cần sự hỗ trợ để có thêm nguồn lực phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức chăm lo hỗ trợ cho các hộ nghèo, đặc biệt khuyến khích các cách làm hay hỗ trợ về giống, vốn, vật tư giúp hộ nghèo có nguồn lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Vinh, Giám đốc Công ty sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Vinh Hà (huyện Phú Xuyên) nhận định, theo kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với đồng ruộng và giúp nhiều nông dân thoát nghèo bà nhận thấy, việc hỗ trợ phương tiện sản xuất là cần, nhưng thực sự cần “cầm tay chỉ việc” để người nghèo phát huy năng lực bản thân và sử dụng triệt để công cụ được trợ giúp, tránh tái nghèo.

Một quan điểm khác vô cùng thiết thực, thúc đẩy giảm nghèo bền vững được nhiều người thống nhất kiến nghị, đó là trao phương tiện, công cụ sản xuất, hướng dẫn người nghèo sử dụng hiệu quả để thoát nghèo là cần nhưng chưa đủ. Rốt ráo hơn, cần xác định rõ hơn đối tượng được hỗ trợ, chẳng hạn người nghèo là thanh niên trí thức, cần giúp họ cơ hội nâng cao trình độ văn hóa, học nghề hoặc thi cử vào cơ quan chuyên môn, chuyên ngành nhất định. Hoặc đối tượng là cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh do gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai, khiến mất hết tài sản, hay mất người thân là trụ cột kinh tế, trở thành hộ nghèo, thì ngoài việc trợ giúp bằng tiền để họ qua cơn hoạn nạn, cần giúp họ giữ nguyên vị trí trước đó, tránh tình trạng họ bị thất nghiệp, thất học, có thể nghèo thâm niên.

Rõ ràng, công tác giúp người nghèo luôn cần thêm nhiều hơn những nỗ lực và sáng kiến. Thiết nghĩ, cơ quan chức trách, chuyên môn một mặt tiếp tục xem xét toàn diện, tổng thể vấn đề này, bên cạnh đó có thể nghiên cứu thêm những sự trợ giúp cụ thể như kiến nghị trên.

Xác định rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2018, TP Hà Nội dự kiến giúp 4.000 hộ nghèo xây, sửa chữa nhà, với tổng số tiền hơn 163 tỷ đồng, trong đó gần 62 tỷ đồng sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao phương tiện, giúp thoát nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.