Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu lao động

Minh Ngọc| 24/01/2018 07:01

(HNM) - Tiếp đà tăng trưởng trong những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018. Tín hiệu tích cực đó cũng đồng thời đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh hoạt động tuyển chọn lao động xuất khẩu nhằm bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững.


Chinh phục thị trường mới

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 135.000 người, vượt hơn 28% so với kế hoạch. Đây là năm thứ 4 liên tiếp xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người.

Việc tuyển chọn lao động xuất khẩu được các nhà tuyển dụng chú trọng. Ảnh: Bùi Tuấn


Lao động Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn đối với các thị trường truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Trong đó, xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 người, tăng 36,47% so với năm 2016. Đài Loan vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 66.926 người, chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017. Dự báo, năm 2018, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam từ những thị trường truyền thống tăng về số lượng, đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực.

Xuất khẩu lao động không chỉ ổn định ở thị trường truyền thống, mà còn có xu hướng mở rộng sang những thị trường mới. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, không ít thị trường có nhu cầu tuyển dụng cho ngành, nghề mới mà lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Trên thực tế, thị trường Châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó thị trường Rumani, Ba Lan, Na Uy… bước đầu mời Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng. Ngoài ra, thị trường Thái Lan, Arab Saudi… có nhiều khoản ưu đãi hấp dẫn cho lao động Việt Nam.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, xuất khẩu lao động đạt được kết quả nổi bật là nhờ ngành LĐ-TB&XH nỗ lực triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản, đồng bộ, đồng thời tích cực đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế liên quan. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; phát hiện, xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm.

Sớm khắc phục bất cập

Thành công về xuất khẩu lao động năm 2017 tạo đà tăng trưởng cho lĩnh vực này trong những năm tiếp theo. Đó là dấu hiệu tích cực bởi đa số lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, gửi tiền về quê hương giúp gia đình, người thân phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Lao động làm việc tại nước ngoài được tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, môi trường làm việc đề cao tính kỷ luật, sẽ là lực lượng lao động có kinh nghiệm, tay nghề khi về nước.

Bên cạnh yếu tố tích cực, hoạt động xuất khẩu lao động cũng đặt ra không ít vấn đề cần giải quyết. Đó là việc làm thế nào để tạo sự cân đối giữa nguồn lực chất lượng cao đi làm việc ở nước ngoài với nguồn lao động làm việc trong nước. Trên thực tế, thị trường lao động nước ngoài có xu hướng tuyển dụng lao động trình độ cao trong khi thị trường trong nước đang rất thiếu nguồn lực này, thậm chí, một số đơn vị, doanh nghiệp phải tuyển dụng chuyên gia, kỹ sư từ nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án "Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025" do Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng cần được tính toán lại nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tuy đã được chấn chỉnh song vẫn có diễn biến phức tạp. Như vừa qua, hàng trăm người gửi đơn tố cáo bà Phùng Thị Mười Linh (sinh năm 1973, thường trú tại số 2A, ngõ 55, phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lợi dụng những người muốn đi xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài bà Phùng Thị Mười Linh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác cũng bị điều tra về hành vi lừa đảo núp dưới danh nghĩa công ty xuất khẩu lao động. “Việc tuân thủ pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại một số doanh nghiệp còn yếu kém. Vi phạm phổ biến là doanh nghiệp không trực tiếp làm mà cho người khác sử dụng giấy phép để tuyển dụng lao động, thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại một số thị trường trọng điểm”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Để khắc phục bất cập nêu trên, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện Thông tư số 35/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2017 của Bộ LĐ-TB&XH về “Quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động với tiêu chí: Chọn đúng người, minh bạch và có kế hoạch khi lao động quay trở về nước...

Nhu cầu xuất khẩu lao động tăng nhanh, hy vọng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, góp phần tạo dựng uy tín cho lao động Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.