Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao: Vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

Hồng Sơn| 26/01/2018 07:32

(HNM) - Ngay từ những ngày đầu bước vào năm kế hoạch 2018, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm và sự tự tin, hướng tới mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao.


Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng sẽ góp phần duy trì tốc độ phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Viết Thành


Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay - một ngưỡng cao so với mức trung bình của thế giới. Như vậy, thời gian tới đòi hỏi quyết tâm hành động, nỗ lực liên tục từ điều hành vĩ mô đến sự vào cuộc trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục khẳng định mục tiêu đổi mới, cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp. Tất cả những gì có lợi cho doanh nghiệp sẽ được quan tâm thỏa đáng, theo tinh thần nhất quán, kịp thời. Mục tiêu cụ thể là đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải qua kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư - kinh doanh. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý, bộ, ngành phải liên tục rà soát thực tế để cắt giảm những thủ tục bất hợp lý kết hợp với việc phát hiện, phòng chống việc “tái xuất” hoặc sự biến tướng của các điều kiện đã được cắt giảm, nhưng quay lại dưới hình thức “giấy phép con”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiên trì mục tiêu hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp; làm tốt vai trò của một Chính phủ kiến tạo. Việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục không chỉ hướng tới chuẩn mực của các nước ASEAN mà còn từng bước hướng tới tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Người đứng đầu mỗi đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả cải cách.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2018, nhìn chung có một số thời cơ, điều kiện tốt để tiếp đà tăng trưởng. Trước hết, nền kinh tế được hỗ trợ bởi kết quả tăng trưởng cao - ở mức 6,81% trong năm vừa qua, đặc biệt là với số vốn mới thu hút gồm đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài rất lớn. Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng hàng đầu, là nguồn lực trực tiếp tạo ra tăng trưởng. Quá trình cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tiếp tục diễn ra trên diện rộng và đi vào chiều sâu; thị trường quốc tế có thể duy trì đà tăng trưởng về nhu cầu... Doanh nghiệp là lực lượng có thể tận dụng, phát huy tiềm năng từ những yếu tố chủ quan, khách quan hữu ích nói trên.

Chủ động vào cuộc

Bên cạnh những thế mạnh của nền kinh tế đạt được trong thời gian qua, cũng cần nhận diện một số vấn đề, sự bất lợi có thể xuất hiện, để sớm có sự chủ động ứng phó và bứt phá. Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cấp điều hành vĩ mô cần lưu ý một số nguy cơ rủi ro hàng đầu thế giới do "Diễn đàn Kinh tế thế giới" đưa ra là: Thời tiết cực đoan, thất bại của hệ thống quản trị quốc gia, thất nghiệp hoặc bán thất nghiệp, thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, gian lận hay đánh cắp dữ liệu và các vụ tấn công mạng...
Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn ngày càng phụ thuộc nhiều vào tổng cầu của thế giới.

Những thách thức từ trong nội tại nền kinh tế Việt Nam như: Công nghệ thấp; đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều; tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng chậm; môi trường kinh doanh được cải thiện, các quy định về điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng vẫn còn rườm rà, tốn kém thời gian, sức lực của các doanh nghiệp đều có thể gây tác hại nếu không được khắc phục nhanh và triệt để. Vì vậy, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành xác định rõ yêu cầu cấp bách là nhấn mạnh nội dung việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tìm cách nắm bắt cơ hội, có phương án tận dụng một cách hợp lý, hiệu quả. Hoạt động thu hút đầu tư sẽ được quan tâm ngay từ đầu năm, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp thông qua việc khơi thông nguồn vốn trong nhân dân.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang trên đà tăng trưởng và dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018 với sự gia tăng chuyển dịch dòng vốn của một số tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu nổi tiếng thế giới vào Việt Nam; trong đó nổi lên những cơ hội mới, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông và bất động sản tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ rõ mục đích tham gia vào thị trường Việt Nam, tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để hợp tác, thúc đẩy đầu tư phục vụ xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Hoạt động xuất khẩu cũng đứng trước thời cơ mở rộng quy mô, tăng tốc nhờ sự hậu thuẫn từ việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do, trong đó có sự đóng góp nổi bật của nông sản và sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua sự gia tăng về nhu cầu của thị trường quốc tế, năng lực đáp ứng ngày càng tốt hơn của các cơ sở sản xuất trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao: Vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.