Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỏng lẻo quản lý hạ tầng các khu đô thị

Kim Vũ| 10/02/2018 06:37

(HNM) - Sử dụng đường nội bộ ở các khu đô thị, chung cư để trông giữ xe, không thông báo hoặc hỏi ý kiến người dân, gây bức xúc dư luận;


Muôn kiểu... bức xúc

Theo phản ánh của các hộ dân ở Khu đô thị (KĐT) Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng, ngày 10-1-2018, một nhóm người đã kẻ vạch, dựng rào sắt quanh khu vực các tòa nhà trong KĐT làm điểm trông giữ xe. Khi người dân phản ứng, Ban quản trị tòa nhà giải thích: Ngày 6-12-2017, UBND huyện Đan Phượng cấp giấy phép 205/GP-UBND cho hộ ông Đông Văn Quang sử dụng tạm thời một phần lòng đường sảnh tòa CT1A, CT1B, HHA, CT2A, CT2B, HHB để trông giữ xe tạm thời với thời hạn 3 tháng. Tuy giấy phép chỉ cho sơn kẻ ranh giới sử dụng, không được che chắn, dựng lều, bốt bảo vệ, xây bục bệ trên hè, đường... Nhưng đơn vị này đã dựng bốt trông xe trên vỉa hè vườn hoa. Theo bà Phạm Hương Thảo - cư dân tòa HHB, đơn vị này đã lấn thêm đoạn sát sảnh sau tòa CT2A, CT2B và sau tòa CT1A, CT1B; thậm chí tại những nơi không kẻ vạch, họ vẫn thu tiền của người dân.

Đường nội bộ Khu đô thị Tân Tây Đô tổ chức làm nơi trông giữ xe.


Còn tại Khu tái định cư 7,2ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), diện tích nội bộ các khu nhà đều được tận dụng làm bãi trông giữ xe máy, ô tô. Tại KĐT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Ban quản trị cụm nhà chung cư lập bãi trông xe tự quản, chủ yếu tận dụng khuôn viên của chung cư, “xẻ” đường xung quanh tòa nhà, kẻ vạch sơn để trông giữ xe. Hiện tượng chiếm dụng diện tích chung để cho thuê cũng xảy ra tại chung cư Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) khi một cửa hàng bán cà phê tại tầng 1 đã lấy lòng đường làm "của riêng"; người dân đỗ xe ở đây đã bị bảo vệ mời đi nơi khác. Hay tại KĐT Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), quanh các tòa nhà N06 B1, N06 B2, N08 B… đều bị ô tô quây kín; tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), các xe ô tô tận dụng vỉa hè, đường nội bộ đỗ san sát. Cư dân sống trong tổ hợp chung cư HH Linh Đàm cũng bức xúc khi vỉa hè phía trước những tòa nhà này bị thu hẹp làm bãi trông giữ xe.

Vai trò quản lý ở đâu?

Thực tế nêu trên cho thấy, việc quản lý hạ tầng kỹ thuật ở các khu vực này vẫn còn chồng chéo và lỏng lẻo. Theo ông Vũ Tuấn Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Hoàng Mai, ngày 19-9-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 41/2016/QĐ-UBND phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Các quận, huyện được phép quản lý, bảo trì các đường ngõ, ngách còn lại và toàn bộ hè đường trong các KĐT do chủ đầu tư bàn giao về thành phố. Với quy định này, các đơn vị có đủ điều kiện làm điểm trông giữ xe tại khu vực có thể đề xuất UBND quận để thẩm định hồ sơ, năng lực thực tế và cấp phép tạm thời sử dụng một phần lòng đường theo phân cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các cấp chính quyền địa phương. Giải thích về việc cấp phép trông giữ xe ở KĐT Tân Tây Đô, ông Nguyễn Trung Hoàn, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Đan Phượng cho biết, UBND xã Tân Lập có văn bản đề nghị UBND huyện Đan Phượng cho phép các đơn vị được trông giữ xe tại KĐT để bảo đảm an toàn trong khu vực. Hộ ông Đông Văn Quang cố tình dựng bốt trông xe là sai. UBND huyện đã yêu cầu phải tháo dỡ, nếu người dân tiếp tục phản ánh những sai phạm thì sẽ thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, một số cư dân cho rằng, sau khi người dân phản ứng việc làm sai trái của đơn vị trông giữ xe thì dường như tình trạng mất cắp gương, phụ tùng đối với xe không gửi trong khu vực được cấp phép lại tăng lên. Dù được hứa nếu phát hiện sai phạm, huyện sẽ rút giấy phép nhưng quả là khó khăn cho người dân vì không đủ bằng chứng để tố giác.

Trong khi đó, những tòa chung cư không do chính quyền sở tại quản lý cũng có cái khó riêng. Ông Nguyễn Viết Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết, địa bàn phường có 5 KĐT và 40 nhà chung cư cao tầng. Hầu hết các tòa nhà không đủ chỗ cho người dân đỗ xe, cộng với số lượng khách vãng lai đến dừng, đỗ xe trong đường nội bộ, không gian chung của các tòa nhà, gây mất an ninh khu vực. UBND phường chỉ quản lý phần vỉa hè, lòng đường các tuyến phố đã được đặt tên; còn diện tích sử dụng chung trong đường nội bộ các tòa nhà lại do Ban quản trị tòa nhà hoặc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ đô thị quản lý. Như vậy, dù người dân có phản ánh thì cũng rất khó để chính quyền địa phương xử lý kịp thời... Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn 132 tòa nhà tái định cư thuộc phân cấp quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội)...

Với mật độ dân cư đông đúc trong các KĐT như hiện nay, việc quản lý hạ tầng, kỹ thuật để bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh là vô cùng cấp thiết. Song, với việc phân cấp quản lý còn chồng chéo, việc giám sát còn lỏng lẻo ở mỗi cấp khiến tình hình ngày càng phức tạp. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quy về một mối trong quản lý và có sự giám sát, quản lý khoa học, bài bản hơn để các KĐT thật sự văn minh, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỏng lẻo quản lý hạ tầng các khu đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.