Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả

Thanh Hiền| 10/02/2018 06:49

(HNM) - Những ngày cận Tết là khoảng thời gian hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu trà trộn, thâm nhập thị trường mạnh mẽ... Vì thế, lực lượng chức năng TP Hà Nội đang đẩy mạnh đấu tranh, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội thu giữ pháo hoa và hàng hóa nhập lậu. Ảnh: Trần Việt



Buôn lậu diễn biến phức tạp

Qua thực tế nhiều năm cho thấy, càng sát Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân càng tăng cao, cũng là lúc hàng giả, hàng lậu gia tăng trà trộn vào thị trường. Các mặt hàng buôn lậu thời điểm này chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh... với các hình thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng.

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, thời điểm này thị trường hàng hóa tại Hà Nội cơ bản ổn định, nhất là với hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng vẫn chuộng hàng nhập khẩu và có tâm lý mua nhiều vào dịp Tết thì các mặt hàng này lại bị làm giả rất nhiều.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một kho hàng tại số 7, ngõ 464, đường Âu Cơ (quận Tây Hồ) đã phát hiện hàng trăm mặt hàng quần, áo, giày, dép, phụ kiện thời trang mang thương hiệu nổi tiếng ZARA, với khối lượng gần 2 tấn. Chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số hàng trên được mua trên mạng internet, sau đó tập kết tại kho này để đưa về tỉnh Phú Thọ tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Hiện nay, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái diễn ra khá "nóng" ở một số khu vực như tại các chợ: Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) và phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên)...

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm hàng hóa đang diễn biến khó lường và có chiều hướng gia tăng. Trong tuần đầu tháng 1-2018, Tổ công tác số 1 - Đội Quản lý thị trường số 15 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện, thu giữ 1,3 tấn nội tạng động vật tại bãi xe ở gầm cầu Thanh Trì. Chủ lô hàng không chứng minh được nguồn gốc và khai nhận đã thu mua ở tỉnh Đồng Nai, đang tập kết ở TP Hà Nội để chuyển lên tỉnh Cao Bằng tiêu thụ. Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 23 phối hợp cùng Công an huyện Đan Phượng kiểm tra cơ sở kinh doanh Hoàng Hải (số 43, khu liền kề 3, đô thị mới Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng), phát hiện và thu giữ gần 7 tấn kẹo đã chảy nước, bốc mùi chua; gần 3 tấn bột trắng nghi là đường đã vón cục và 60 thùng bánh các loại, cùng vỏ hộp, nhãn mác, máy đóng gói, dập hạn sử dụng. Chủ cơ sở chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Đội Quản lý thị trường số 23 đã tạm giữ toàn bộ hiện vật để xác minh, xử lý theo quy định.

Ban Chỉ đạo 389 đánh giá, buôn lậu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có chênh lệch giá lớn giữa trong nước và nước ngoài, mức thuế nhập khẩu cao, hoặc bị áp dụng hạn ngạch. Hoạt động buôn lậu thường theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài nên việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế. Điều này dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình, ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ...

Kiểm soát các địa bàn “nóng”

Trước những diễn biến phức tạp nêu trên, yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được đặt ra cấp thiết. Ngày 2-2-2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn. Trước mắt sẽ tập trung thực hiện tốt kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là nhóm mặt hàng cấm; các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt có tác động lớn đến nền kinh tế; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội; đường hàng không, đường thủy… các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các kho tàng, bến bãi, nhất là các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), các ga: Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, Sân bay quốc tế Nội Bài…

Đặc biệt, một trong những biện pháp quan trọng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại hội nghị tổ chức ngày 29-1 vừa qua là phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết “không có vùng cấm” trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.