Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài

Hồng Sơn| 23/02/2018 07:23

(HNM) - Năm 2017, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục và theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm nay lượng vốn ở khu vực này đổ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng cho tăng trưởng.


Sản xuất máy in lazer tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: Thái Hiền


Những số liệu đáng suy ngẫm

Theo Bộ Tài chính, dù các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có số lượng lao động và nguồn vốn chiếm tỷ lệ không lớn so với doanh nghiệp cả nước, nhưng tạo ra lợi nhuận lớn so với các thành phần kinh tế còn lại. Đơn cử, năm 2016 các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp cả nước), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. Năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), tăng bình quân 9,4%/năm giai đoạn 2010-2016.

Điều đáng suy ngẫm và lo ngại là mức đóng góp vào nền kinh tế của các khu vực lại không tỷ lệ thuận với các con số nói trên. Đơn cử, năm 2016 mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế, nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất, với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất, nhưng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế, với 250,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016. Vì vậy, dư luận có quyền lo ngại, đặt câu hỏi vì sao trước thực tế trên.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, qua hơn 30 năm mở cửa, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu được một lượng vốn đăng ký khá lớn - hơn 300 tỷ USD và khu vực này thường xuyên đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng như tạo ra hơn 2 triệu việc làm. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng được bổ sung một số công nghệ và quản lý khá hiện đại. Song, thực tế cũng cho thấy, đa số công nghệ, dây chuyền sản xuất được nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ có mức độ trung bình của thế giới, trong khi đã xảy ra việc dự án đầu tư nước ngoài xả thải, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống. Đó là những bài học nhãn tiền cảnh báo tới xã hội, nhất là với các cơ quan hữu trách để khắc phục trong thời gian tới...

Cần "gạn đục, khơi trong"

Từ thực trạng trên, cấp có thẩm quyền cũng như ngành chức năng cần tỏ rõ quan điểm tăng cường chọn lọc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở đánh giá dự án đầu tư nước ngoài một cách tổng thể về chất lượng, sức lan tỏa, kết quả đóng góp vào ngân sách. Trong đó, kiên quyết không thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi cách, lại càng không đánh đổi bằng môi trường. Thực tế thành công của một số đơn vị có công nghệ hiện đại trong thời gian gần đây như Samsung, là minh chứng cho định hướng đúng đắn này. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cấp chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng hoạt động hiệu quả...

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năm nay vẫn có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng đã đến lúc tăng cường hợp tác và nhắc nhở nhà đầu tư tự giác tuân thủ quy định pháp luật, “nhập gia tùy tục”. Đặc biệt, cần nhắc cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về trách nhiệm, cung cách sản xuất, kinh doanh văn minh thông qua việc chủ động tham gia bảo vệ môi trường, cũng như chấp hành pháp luật và thực hiện tái đầu tư vào chính địa bàn phát sinh lợi nhuận của mình.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung làm tốt hoạt động quản lý, thanh - kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, qua đó nhân lên những điển hình và ngăn chặn nạn trốn thuế, chuyển giá. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ phát huy những kết quả thu được trong năm 2017, khi các đoàn kiểm tra tiến hành thanh - kiểm tra 1.288 doanh nghiệp, truy thu khoảng 3.000 tỷ đồng thuế... Chính phủ và các bộ, ngành khác cũng khẳng định nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hiện đại từ các dự án đầu tư nước ngoài cho đối tác trong nước trong bối cảnh kết quả của hoạt động này chưa được như ý.

Từ đó, Chính phủ chủ trương cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, chứng minh Việt Nam là điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài thân thiện, thuận lợi để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn, trang bị công nghệ tiên tiến vào dự án đầu tư tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng, bởi nó sẽ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế nước ta. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở các bộ, ngành về việc cần có sự chuẩn bị trước về nhân lực, chính sách triển khai đối với từng lĩnh vực để có thể sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ, triển khai các phương án hòa nhập với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như công nghệ số đang lan tỏa trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.