Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp: Quyết liệt gỡ khó

Ngọc Quỳnh| 12/03/2018 06:54

(HNM) - Thời gian qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc giải quyết chế độ cho người lao động sau cổ phần hóa vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Thành Thắng


Vướng mắc từ nội tại

Theo thống kê của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2017, Bộ NN&PTNT đã cổ phần hóa thành công 12 tổng công ty, công ty trực thuộc; 3 doanh nghiệp thuộc viện, trường; triển khai cổ phần hóa 7 chi nhánh và 26 công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam; hoàn thành việc bán vốn nhà nước tại 2 công ty; hoàn thiện hồ sơ phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp tại TP Cần Thơ và tỉnh Nghệ An, trình Thủ tướng phê duyệt.

Đến nay, 41/41 địa phương, đơn vị có công ty nông, lâm nghiệp được Bộ NN&PTNT hoàn thành thẩm định phương án sắp xếp, đổi mới; Thủ tướng đã phê duyệt phương án cho 40 địa phương, đơn vị. Nhìn chung, sau khi được cổ phần hóa, đổi mới mô hình, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, mặc dù số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ NN&PTNT còn lại không nhiều nhưng đều là những tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, lĩnh vực hoạt động đặc thù nên công tác triển khai tái cơ cấu còn phức tạp. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt thực hiện tái cơ cấu hoặc kinh doanh kém hiệu quả, rơi vào tình trạng mất an toàn về tài chính, báo cáo giám sát chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người đứng đầu, ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa chủ động, trông chờ chỉ đạo của Bộ trong thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo tiến độ đã được phê duyệt.

Thực tế cho thấy, một số đơn vị khi sắp xếp, cổ phần hóa đã gặp khó khăn trong lựa chọn mô hình mới, nhất là tiêu chí lựa chọn đối tác mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Cũng có đơn vị vướng mắc trong giải quyết đất đai. Chẳng hạn như tại nhiều doanh nghiệp lâm nghiệp, trước đây nguồn gốc một phần đất do dân góp để thành lập nông trường.

Hay như quy định của Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp không có hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp. Trong khi thực tế một số công ty phải giải thể, đủ điều kiện phá sản nhưng không thực hiện được. Do đó, các địa phương rất khó xử lý vì các khoản nợ của những công ty này lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết.

Ngoài ra, theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, một số tổng công ty thực hiện cổ phần hóa đã gặp khó khăn khi giải quyết chế độ cho người lao động. Chẳng hạn, Tổng công ty Cà phê Việt Nam có thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong số hơn 28.300 lao động của Tổng công ty mới chỉ có khoảng 10.600 người đóng bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng 37%). Số lao động còn lại phải giải quyết chế độ chính sách như thế nào cho thỏa đáng để không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ là điều không dễ.

Phải quyết liệt hơn nữa

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong quý II-2018. Ảnh: Sơn Hà


Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hiện nay Bộ đã giao cho Vụ Quản lý doanh nghiệp giám sát việc cổ phần hóa tại các công ty trực thuộc để không bị ảnh hưởng bởi việc chuyển chủ sở hữu, phát sinh tâm lý không ổn định, dẫn tới ảnh hưởng năng suất, chất lượng lao động... Để từng bước giải quyết khó khăn, năm 2018, Bộ NN&PTNT tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Dự kiến trong quý II-2018, sẽ có 5 tổng công ty trực thuộc Bộ hoàn thành cổ phần hóa, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tổng công ty Lương thực Miền Nam; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng tập trung chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Ngoài ra, Bộ thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để hướng dẫn việc tăng cường quản trị nội bộ và nâng cao hiệu quả.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, các tổng công ty cần tổ chức hội nghị lấy ý kiến đơn vị thành viên, đặc biệt là những người có kinh nghiệm qua các thời kỳ, trên cơ sở định hướng của Nhà nước để khi trình lên Chính phủ phương án tái cơ cấu bảo đảm khả thi.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp sẽ từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để thành công, Bộ NN&PTNT phải thường xuyên rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Cùng với đó, Bộ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhằm xem xét cắt giảm về thời gian, giấy tờ, chi phí… cho phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về thực hiện những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp: Quyết liệt gỡ khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.