Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu

Thanh Tàu| 19/03/2018 07:11

(HNM) - Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo, vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã, đang tập trung đổi mới công tác này theo hướng gắn với nhu cầu của xã hội.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017, 12/12 quận, huyện thành phố hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra với tổng số lao động nông thôn được đào tạo là 13.035 người, đạt 108,62% kế hoạch. Trong đó có 3.965 người học các nghề trồng và chăm sóc hoa lan, cây cảnh, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật nuôi lợn, bò, tôm, cá; 9.070 người học nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật nấu ăn, tin học, điện dân dụng, lái xe ô tô, may, điều dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy... Đặc biệt, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 10.412/11.881 người đã học nghề, đạt tỷ lệ 86,85%.

Từ kết quả trên, trong năm 2017, nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp đã thu hút được nhiều lao động đã qua đào tạo nghề tham gia. Trong đó, nhiều hợp tác xã đóng vai trò liên kết giữa hộ dân, trang trại với hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, giúp người lao động phát huy nghề đã học vào sản xuất và cung ứng nông sản an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại và dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) với mục tiêu sản xuất rau bảo đảm chất lượng, các xã viên đã được học về kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, 20 sản phẩm rau, củ, quả các loại của hợp tác xã đã có mặt ở hầu hết siêu thị lớn của thành phố như Big C, Co.opmart, Metro, Vinatex Mart…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, mạng lưới trường dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay; các thiết bị đào tạo nghề mang tính quyết định đến rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học chưa tương ứng với thực tiễn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc phải đầu tư khắc phục hạn chế trên, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần rà soát, xác định nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động nông thôn theo từng nghề và cấp trình độ đào tạo; kết hợp rà soát, xác định nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Thông qua đó đặt hàng cơ sở đào tạo hoặc đặt hàng cho các doanh nghiệp đào tạo, ngân sách hỗ trợ kinh phí đào tạo. Việc tổ chức các khóa đào tạo phải linh hoạt về chương trình, hình thức và phương thức đào tạo.

Theo kế hoạch, năm nay, thành phố sẽ đầu tư hơn 38 tỷ đồng đào tạo nghề cho 10.500 lao động nông thôn với mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên. Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Hổ, để công tác đào tạo nghề có chất lượng, tránh lãng phí ngân sách, cần thực hiện cơ chế giám sát của các tổ chức đoàn thể xã hội như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh về tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.