Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều mô hình hiệu quả

Tuệ Diễm| 19/03/2018 07:15

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm theo Quyết định 2349/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đây, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) do nhiều đơn vị thực thi, như: Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, đã nảy sinh nhiều phức tạp khi ngành này "đẩy" trách nhiệm cho ngành kia, không hiệu quả. Vì vậy, sự ra đời của Ban Quản lý ATTP (tháng 3-2017) đã giúp thống nhất các cơ quan về một mối để tập trung ngăn chặn nạn thực phẩm "bẩn", độc hại tràn ngập trên thị trường TP Hồ Chí Minh.


Hiệu quả đầu tiên phải kể đến là việc giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong năm 2017 có 21 lễ hội, sự kiện quy mô lớn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý ATTP được giao nhiệm vụ giám sát và đã không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện. Trong hai tháng đầu năm 2018 là cao điểm dịp lễ, Tết nhưng thành phố cũng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Đạt được kết quả trên là do Ban Quản lý ATTP đã triển khai quyết liệt công tác thanh, kiểm tra. Theo đó, từ khi đi vào hoạt động đến ngày 28-2-2018, Ban đã kiểm tra ATTP đối với 967 cơ sở, phát hiện 174 cơ sở vi phạm, ban hành 119 quyết định xử phạt với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Hiện tại đơn vị đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố cho rằng, ngoài việc xử lý, ngăn chặn thì cần khuyến khích, tạo điều kiện cho những cơ sở sản xuất làm ăn chân chính phát triển. Vì vậy, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã phối hợp tổ chức nhiều mô hình quản lý thực phẩm hiệu quả với các đơn vị, quận, huyện.

Điển hình, Ban đã ký kết với UBND quận 8 triển khai thử nghiệm mô hình hợp tác 4 bên (gồm cung, cầu, công nghệ, chất lượng) tại Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, qua đó các nguồn thực phẩm an toàn từ những tỉnh này được đưa về tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là sự tư vấn giải pháp của đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý ATTP thuộc Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ do Ban Quản lý ATTP thành lập cuối năm 2017...

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đánh giá, khi thành lập Ban Quản lý ATTP đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa các sở, ngành. Tuy chưa hết thời gian thí điểm nhưng mô hình hoạt động cơ quan này đã cho thấy hiệu quả tốt, tạo động lực tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo.

Dù vậy, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khó khăn nhất hiện nay với Ban Quản lý ATTP là chi phí hoạt động và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Đến nay, toàn bộ nhân sự của đơn vị có 488 người, phụ trách một địa bàn rộng lớn với nhiều lĩnh vực hoạt động nên đã xảy ra tình trạng quá tải, điển hình như cấp phép chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Bất cập nữa là cán bộ Ban chưa có thẻ thanh tra viên, không có quyền xử phạt tại chỗ,... nên gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng cần tạo cơ chế đặc thù phù hợp để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều mô hình hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.