Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều người tin dùng rau hữu cơ Thanh Xuân

Ngọc Quỳnh| 19/03/2018 07:33

(HNM) - Sau hơn 10 năm phát triển mô hình, rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đã được nhiều người tin dùng, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Mô hình rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân đang phát huy hiệu quả.


Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), ở xã Thanh Xuân có 26 nhóm với 157 thành viên tham gia sản xuất rau hữu cơ trên diện tích 34ha. Các nhóm này phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “5 không” trong quá trình trồng rau. Qua đó, giúp nông dân xã Thanh Xuân tạo được những luống rau an toàn, bảo đảm chất lượng.

Đáng kể, hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các siêu thị, công ty, cửa hàng bán rau an toàn theo đơn đặt hàng trực tiếp với hộ gia đình. Trung bình mỗi tháng, các nhóm đưa ra thị trường 60-80 tấn rau, củ, quả các loại.

Về hiệu quả sản xuất rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Thanh Xuân cho biết: Từ khi tham gia vào nhóm sản xuất rau hữu cơ, nông dân đã thay đổi thói quen từ phương pháp thông thường sang hữu cơ, ghi chép nhật ký đồng ruộng. Bù lại, rau hữu cơ cho thu nhập ổn định từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt của gia đình.

Tuy nhiên, để mở rộng mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Hậu cho biết, một số thành viên của nhóm chưa tuân thủ quy trình sản xuất một cách triệt để, dẫn tới sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng và khó cung cấp đủ lượng hàng cho đối tác. Hơn nữa, Nhà nước chưa ban hành quy định, quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ nên gây khó khăn cho nông dân trong quá trình sản xuất.

Đối với khâu tiêu thụ, do chưa có nghị định của Chính phủ cụ thể hóa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tươi sống lưu thông, thương mại trên thị trường, dẫn tới rau không an toàn trà trộn với rau an toàn.

Bà Hoàng Thị Hậu đề nghị các ngành tiếp tục quan tâm để mô hình nông nghiệp hữu cơ ở xã Thanh Xuân phát triển bền vững và được nhân rộng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các quy chuẩn, quy định về rau hữu cơ để làm căn cứ thực hiện; hỗ trợ mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Chính phủ cũng cần ban hành Nghị định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường. Theo đó, yêu cầu bắt buộc các loại rau khi bán ra thị trường phải có nguồn gốc xuất xứ, kể cả rau bán lẻ tại các chợ dân sinh.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân cho biết: Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ đào tạo tập huấn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, Hợp tác xã, Hội Nông dân xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất ở các nhóm nhằm bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm hữu cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều người tin dùng rau hữu cơ Thanh Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.