Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách thủ tục hành chính hải quan: Nỗ lực phục vụ doanh nghiệp

Hà Linh| 20/03/2018 07:19

(HNM) - Phấn đấu đưa hết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan lên mức độ 3 nhằm phục vụ tốt hơn việc giải quyết thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp là mục tiêu được Tổng cục Hải quan đặt ra trong năm 2018.


Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu (Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài). Ảnh: Viết Thành


Mở rộng dịch vụ công trực tuyến

Theo Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), đến nay đã có 126/178 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp ở mức độ 3 trở lên, trong đó có 123 thủ tục ở mức độ 4 (mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam).

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan Lê Đức Thành cho biết, mỗi năm ngành Hải quan xử lý hơn 12 triệu hồ sơ trên môi trường điện tử thông qua các hệ thống, gồm: Thông quan tự động VNACCS/VCIS, cổng thanh toán điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a... Riêng hệ thống HQ36a được triển khai từ ngày 1-3-2017 đến nay đã tiếp nhận và xử lý hơn 73.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của gần 11.800 cá nhân, doanh nghiệp. Năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tối thiểu mức độ 3 cho 42 thủ tục. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính được cung cấp tối thiểu mức độ 3 sẽ nâng lên 168/178 thủ tục, tương đương 94%.

Theo ông Lê Đức Thành, 10 thủ tục còn lại chưa được đưa lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến là do nếu triển khai trên môi trường điện tử sẽ không mang lại hiệu quả. Đơn cử như thủ tục “xét miễn thuế đối với trường hợp hàng nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ được xét miễn thuế nếu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được”. Đây là thủ tục do Bộ Quốc phòng trực tiếp chuyển hồ sơ tới Tổng cục Hải quan, trong đó có các thành phần hồ sơ ở chế độ “mật”, nếu triển khai trên môi trường điện tử sẽ không hiệu quả.

Trực tuyến giám sát hải quan

Để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất, qua đó chủ động tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hiện vẫn còn vướng mắc cần được cơ quan chức năng tháo gỡ. Đó là kết quả do cơ quan hải quan xử lý, trả cho người dân, doanh nghiệp nhưng chưa được cơ quan chức năng khác chấp nhận. Chẳng hạn, trường hợp Tổng cục Hải quan ban hành quyết định cho một doanh nghiệp được thành lập kho ngoại quan, quyết định được ký số và chuyển cho doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cần giao dịch với cơ quan chức năng và có yêu cầu xuất trình quyết định thành lập kho ngoại quan của cơ quan hải quan, việc cung cấp quyết định dựa trên văn bản được kết xuất từ hệ thống sẽ khó được cơ quan chức năng khác chấp nhận.

Cùng với việc mở rộng thủ tục, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các đơn vị, nhất là cục hải quan địa phương trong quá trình thực hiện. Khi phát hiện có thủ tục bị xử lý chậm, muộn, hay chưa đúng quy trình, quy định, Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan sẽ gọi điện trực tiếp với bộ phận chức năng ở các địa phương để việc giải quyết được thực hiện kịp thời.

Ông Lê Đức Thành khẳng định, đơn vị đang tích cực phối hợp với các cục hải quan địa phương, đơn vị chức năng triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động, bảo đảm trong năm 2018 sẽ hoàn thành trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu và tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về hải quan. Hiện nay, hệ thống quản lý hải quan tự động đã được triển khai tại 4 cục hải quan địa phương, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau hơn 4 tháng triển khai tại khu vực Cảng Hải Phòng (từ ngày 15-8-2017 đến đầu năm 2018), hệ thống đã quản lý, giám sát hơn 1,7 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu. Tại Cục Hải quan Hà Nội, hệ thống đã được triển khai với 3 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi...

Nhận xét về nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan thời gian qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho biết, là một Việt kiều về nước đầu tư đã 33 năm, doanh nghiệp cảm nhận rõ nét sự thay đổi vượt bậc của ngành Hải quan. Hằng năm, số nộp ngân sách của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương rất lớn. Tính riêng năm 2017, Tập đoàn đóng góp hơn 1.900 tỷ đồng thuế nhập khẩu cho ngân sách nhà nước. Trong năm qua, sự thay đổi lớn nhất là cơ quan hải quan đã áp dụng quản lý hiện đại, soi chiếu hàng hóa tự động, những kiện hàng nào có dấu hiệu vi phạm sẽ được đánh dấu để kiểm tra thực tế. Vì thế, 99% hành khách xuất nhập cảnh và doanh nghiệp hài lòng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng kiến nghị, bên cạnh việc tạo thuận lợi, cơ quan Hải quan nên phối hợp với các ban, ngành ngăn chặn triệt để hàng gian, hàng lậu, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Có như vậy, doanh nghiệp mới tin tưởng để mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất và đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách thủ tục hành chính hải quan: Nỗ lực phục vụ doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.