Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Việt Nam 2018: Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh

Đặng Loan| 20/03/2018 13:15

(HNMO) - Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh”, các diễn giả cho rằng trong năm 2017 Chính phủ đã tạo được niềm tin, động lực cho khối doanh nghiệp.


Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2017 đã có những con số rất ấn tượng: hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó GDP tăng 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% và cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây; xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55/137 nền kinh tế)…

Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nước. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia Cộng đồng ASEAN, đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng 10 quốc gia ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP). Những dấu ấn nói trên góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn liên kết kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần tập trung giải quyết như tăng trưởng chưa nhanh và bền vững, năng suất lao động chưa cải thiện theo chiều sâu, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thách thức về già hoá dân số, bẫy thu nhập trung bình, các vấn đề về môi trường, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh… Đây là những nút thắt mà nếu có thể giải quyết được, sẽ tạo ra đột phá trong nội lực nền kinh tế, giúp củng cố đà phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong nhiều năm qua, mục tiêu điều hành lớn nhất của Chính phủ chính là "Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững".

Với mục tiêu đó, Chính phủ luôn đặt ưu tiên cho các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích hợp nhiều giải pháp để tạo một "sân chơi" ngày càng bình đẳng, trong khuôn khổ pháp lý công bằng và minh bạch hơn.

Trả lời câu hỏi “Nếu chỉ dùng 1 từ để nói về kinh tế Việt Nam 2017” của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Viết Ngoạn, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, đó là “Chính phủ đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng kinh tế Việt Nam từ năm 2017 sang 2018 là "Hy vọng chuyển hướng".

Còn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá năm 2017 là năm bứt phá vì cả Chính phủ và doanh nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ có quyết tâm hành động có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn cho rằng, năm 2018 sẽ là năm cơ hội và thách thức đan xen. Về cơ hội, năm 2018, kinh tế thế giới chuyển động tích cực hơn năm 2017. Ở trong nước, lòng tin của nhà đầu tư rất tích cực và tiếp tục được củng cố trong năm 2018. Lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017 nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát tốt. Vì vậy, 2018 là năm có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam 2018: Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.