Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hiền| 21/03/2018 07:01

(HNM) - Để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng, năm nay, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến đông đảo người dân trên địa bàn, nhất là học sinh, sinh viên. Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực để hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người tiêu dùng, đặc biệt là với lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Khách hàng dùng thử sản phẩm trong Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng 2018. Ảnh: Anh Tuấn


Quyền của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm


Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên không ít người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi do chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình... Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, qua kiểm tra tại các Điểm tri ân người tiêu dùng như Vinmart Royal City, Coopmart Hà Đông, Mediamart... cho thấy, vẫn còn nhiều người chưa biết đến 8 quyền của người tiêu dùng. Trong 8 quyền đó, có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu, ngoài phản ánh đến nơi bán sản phẩm.

Anh Phạm Công Thành (trú tại quận Thanh Xuân) cho biết, bản thân anh cũng không hiểu rõ về quyền của người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm mà luật quy định. Trước đây, khi mua phải sản phẩm không may bị lỗi cũng không biết phải khiếu nại với ai, đơn vị nào, trừ địa điểm mình vừa mua sản phẩm.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàng Mai) cũng tỏ ra hoàn toàn bất ngờ khi lần đầu tiên được nghe về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chị Hương còn khá e dè khi nêu ra hàng loạt vụ việc mà bản thân do mua hàng trên mạng mà bị lừa đảo, nhưng lại rất ngại liên hệ với cơ quan chức năng.

Nhận định về việc người tiêu dùng chưa hiểu hết luật và quyền lợi của họ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, không chỉ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà rất nhiều luật khác cũng gặp hạn chế khi áp dụng vào thực tiễn. Thêm vào đó, những người có quyền giám sát và thực thi luật vẫn chưa thực sự sát sao, khiến người tiêu dùng... ngại nộp đơn khiếu kiện.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), trong năm 2017, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 371 và 249 vụ việc, chiếm tỷ lệ lần lượt là 37,2% và 25% tổng số khiếu nại). Hai thành phố này chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố xếp sau như Đồng Nai, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương với tỷ lệ khoảng 1-3%.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn nữa, theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, triển khai chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2018”, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về Quyền của người tiêu dùng, xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi giao dịch, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Năm nay, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật tiếp tục được UBND TP Hà Nội, Sở Công Thương mở rộng và triển khai đến nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố thông qua các buổi hội thảo, hội nghị tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học và trên tất cả các phương tiện truyền thông. Cùng với việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn TP Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 7-2018, chương trình sẽ mở rộng đối tượng là học sinh tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn với các tình huống, kiến thức thực tế để hình thành ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng.

Đây là năm thứ tám liên tiếp, Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm tuyên truyền, phổ biến quyền của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để tri ân người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các sự kiện “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” với sự tham gia của 30 doanh nghiệp và 60 gian hàng có thương hiệu, uy tín như Tổng công ty Siêu thị Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone, Siêu thị Việt Nhật Vinmexcom, hệ thống các nhà sách lớn và nhiều thương hiệu tiêu dùng khác...

Ngoài ra, trên toàn địa bàn thành phố còn có 60 điểm tri ân người tiêu dùng thuộc các doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị phân phối lớn là các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn như hệ thống siêu thị tổng hợp Vinmart, Hapromart, BigC, V+; hệ thống siêu thị điện máy Mediamart, Pico, HC, EcoMart… Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham gia của tổng đài 024.1081 - Tổng đài giải đáp của chương trình 024.1081, những thắc mắc của người tiêu dùng sẽ được tư vấn, hỗ trợ giải quyết nhanh chóng và kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực bảo vệ người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.