Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bức tranh kinh tế quý I bừng sáng

Hồng Sơn| 30/03/2018 07:19

(HNM) - Kết quả khảo sát cho thấy, bức tranh kinh tế đang bừng sáng trong ba tháng đầu năm 2018...


Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành


GDP tăng cao nhất trong 10 năm

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng chú ý là tổng thu nhập quốc nội (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng tới 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả này cũng cao hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2018 mà Chính phủ đề ra. Trên thực tế, các tổ chức, chuyên gia kinh tế đánh giá cao về khả năng bứt phá của nền kinh tế từ nhiều tháng trước, trên cơ sở kế thừa kết quả đáng ghi nhận từ năm 2017 vừa qua nhưng cũng chưa thể dự báo trước về một mức tăng trưởng cao như trên.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,7%.

Như vậy, kinh tế đã tăng trưởng khá mạnh ngay từ đầu năm thay vì thường chỉ tăng dần qua các tháng như “thói quen” từ nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ quyết liệt vào cuộc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sát cánh cùng doanh nghiệp, kiên trì mục tiêu hành động của Chính phủ, chính quyền kiến tạo; từ đó tạo điều kiện tốt nhất và tôn cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp ngay từ đầu năm.

Phân tích cụ thể có thể thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp quý I tăng 11,6% so với cùng kỳ, riêng ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng tới 13,9%. Một số mặt hàng thế mạnh, có uy tín của Việt Nam như dệt may, thủy sản, gạo, điện tử và điện thoại... tiếp tục khẳng định vị thế, đóng góp đáng kể vào kết quả xuất khẩu. Hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch cũng tăng trưởng mạnh mẽ, tác động tích cực và góp phần kích đẩy vào mức tăng trưởng chung, thông qua việc đón tiếp hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng tới 30,9% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nền kinh tế đã đón nhận thêm 26.785 doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập mới, trong đó chủ yếu là đơn vị quy mô nhỏ và vừa, với tổng vốn đăng ký 278 nghìn tỷ đồng. Thêm vào đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã thực hiện giải ngân gần 3,9 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Đây là nguồn lực bổ sung thiết thực, kịp thời và sẽ tạo ra năng lực sản xuất kinh doanh mới trong thời gian tới.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nền kinh tế đã đạt kết quả đáng ghi nhận, có tính bứt phá trong quý I; thể hiện rõ qua hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô được bảo đảm với điểm nhấn là tốc độ tăng trưởng cao bên cạnh việc kiểm soát tốt lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào tương lai kinh doanh ngày càng cải thiện. Theo đó, 33% doanh nghiệp cho rằng tình hình hoạt động tốt hơn cùng kỳ và hơn 42% cho rằng vẫn duy trì sự ổn định. Tuy vậy, có tới 55,7% doanh nghiệp nhận định là tình hình sẽ khả quan hơn trong quý II.

Về tình hình tăng trưởng quý II và đến cuối năm, Tổng cục Thống kê dự báo, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khá ổn định, dựa trên một số yếu tố quan trọng như mức tiêu dùng nội địa có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương, dư địa cho sản xuất và xuất khẩu còn phong phú, chính sách và biện pháp ổn định tỷ giá, kỷ luật tài khóa - tài chính được quan tâm và bảo đảm, xu hướng đầu tư trong khu vực tư nhân vẫn tiếp diễn...

Đặc biệt, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành để hoàn thành cũng như hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018. Thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai một số giải pháp mang tính đồng bộ nhằm bảo đảm duy trì tăng trưởng kinh tế. Đó là, tập trung hỗ trợ sản xuất, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ du lịch và hàng xuất khẩu; triệt để tuân thủ kỷ luật tài chính, bảo đảm vận hành thị trường tài chính - ngân hàng suôn sẻ, linh hoạt đồng thời gắn liền với định hướng hỗ trợ doanh nghiệp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi nhằm bảo đảm và kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu từng phân ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục theo dõi và kiểm soát tốt lạm phát... Nhìn chung, khả năng tăng trưởng được đánh giá là sáng sủa đối với nền kinh tế trong thời gian từ nay đến hết năm kế hoạch 2018.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, không nên có tâm lý chủ quan về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế như một sự mặc định là tốc độ tăng trưởng sẽ “tự nhiên” tăng cao dần qua từng quý. Trước hết, cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng do Chính phủ đã đặt ra và nỗ lực hoàn thành; sau đó mới có thể tính đến khả năng vượt mức kế hoạch một cách căn cơ. Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn và điều đó đồng nghĩa với việc sẽ gắn liền, phụ thuộc ngày càng nhiều vào diễn biến tình hình, nhất là tổng cung trên thị trường thế giới.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27%

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cả nước giảm 0,27% so với tháng trước và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm so với tháng trước. 

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tháng 3 giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,52%, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,18%. Nguyên nhân khiến nhóm này giảm là do giá gas giảm mạnh (giảm 13.000đ/bình) dưới tác động từ việc giá gas nhập khẩu về nước giảm. Nhóm giao thông giảm 0,68%, do giá xăng dầu giảm vào ngày 21-2.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế quý I bừng sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.