Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng thuế BVMT xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến CPI?

Hương Thủy| 02/04/2018 14:33

(HNMO) - Nếu việc nâng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) lên mức kịch khung được thông qua và thực hiện từ tháng 7-2018, việc điều chỉnh này sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.


Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế BVMT với xăng tăng từ 3.000 đồng lên mức trần trong khung 4.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 9.000 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg.

Sau thời gian lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã nhận được 60 ý kiến tham gia; trong đó có 14 ý kiến tham gia của các bộ, 42 ý kiến tham gia của các địa phương, 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn về tăng thuế BVMT với xăng dầu. (ảnh từ Internet)


Về cơ bản, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết.

Trước ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế BVMT đối với dầu mazut tăng từ 900 đồng lên 1.500 đồng/lít hoặc 1.200 đồng/lít để không ảnh hưởng đến giá thành của các sản phẩm sử dụng nhiên liệu dầu mazut, do đây là nhiên liệu đầu vào chủ yếu các các nhà máy điện sản xuất kính, gốm sứ...

Bộ Tài chính cho rằng, dầu mazut là loại chất đốt gây ô nhiễm môi trường vì chứa hàm lượng lưu huỳnh cao (2.0-3.5mg/kg), khi đốt cháy sẽ tạo ra khí sunfuaro, một loạt khí rất độc hại cho môi trường. “Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng sản phảm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết”, cơ quan quản lý này nhấn mạnh.

Với ý kiến về quy định mức thuế BVMT ưu đãi đối với xăng dầu sinh học để khuyến khích sử dụng loại nhiên liệu này, Bộ Tài chính chia sẻ, trong hệ thống thuế, mỗi sắc thuế có mục tiêu điều chỉnh riêng.

Hiện nay, để khuyến khích sản xuất và sử dụng xăng sinh học, tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định thuế suất ưu đãi đối với xăng sinh học E5, E10: Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

“Như vậy, trường hợp xăng khoáng và xăng E5 cùng một giá tính thuế thì giá xăng E5 thấp hơn giá xăng khoáng là 3%”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Tác động đến CPI bình quân năm 2018 khoảng 0,11-0,15

Luật thuế BVMT hiện hành quy định chỉ thu đối với xăng dầu gốc hóa thạch (xăng khoáng), không thu thuế đối với etanol. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch (thường gọi là xăng dầu sinh học) thì chỉ tính thu thuế BVMT theo tỷ lệ xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học.

Hiện mức thuế BVMT đối với xăng khoáng là 3.000 đồng/lít, theo đó mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng khoáng là 150 đồng/lít. Nếu quy định mức thuế BVMT đối với xăng khoáng là 4.000 đồng/lít thì mức thuế BVMT đối với xăng E5 thấp hơn mức thuế BVMT đối với xăng khoáng là 200 đồng/lít, từ đó sẽ tạo thêm chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng khoáng.

Liên quan đến việc cần có lộ trình tăng mức thuế BVMT đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân như một số ý kiến kiến nghị, Bộ Tài chính cho hay, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng dầu (tăng 1.000 đồng, lên 4.000 đồng/lít) là đảm bảo trong khung mức thuế BVMT và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế BVMT cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT.

Đó là: Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Theo tính toán của cơ quan quản lý này, với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2018 (so với tháng 6-2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%.

Tuy nhiên, “việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường”, Bộ Tài chính nhìn nhận. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.

Có ý kiến đề nghị công khai thu thuế BVMT và chi cho sự nghiệp BVMT, Bộ Tài chính cho hay, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế BVMT đều tập trung vào NSNN và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hàng năm, trong đó có thực hiện nhiệm vụ chi cho BVMT.

Trên thực tế, nhiều năm nay, chi NSNN để thực hiện các nhiệm vụ BVMT luôn cao hơn số thuế BVMT thu được. Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012-2016 (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng/năm, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 (bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế BVMT xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến CPI?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.