Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động hài hòa cán cân xuất - nhập khẩu

Hồng Sơn| 06/04/2018 07:10

(HNM) - Quý I-2018, Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 54,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời xuất siêu hơn 1,3 tỷ USD giá trị hàng hóa.


Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn. Ảnh: Linh Ngọc


Trước hết, cần xác định nhu cầu nhập khẩu sẽ là rất lớn, liên tục và mang tính quy luật đối với các nền kinh tế đang phát triển. Một số mặt hàng cần thiết là nguyên, phụ liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất gồm trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu của các ngành dệt may, da giày, lắp ráp sản phẩm điện tử, điện thoại, phụ tùng thiết bị công nghiệp, xe máy... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ duy trì mức nhập khẩu nhiên liệu tương đương khoảng 70% tổng nhu cầu trong nước. Những mặt hàng này có tính chất bắt buộc, không thể không nhập khẩu xét về lâu dài. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã nhập siêu trong nhiều năm ở giai đoạn 5 năm trở về trước.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nền kinh tế chuyển sang xuất siêu, thể hiện sự bứt phá và lớn mạnh rất đáng ghi nhận. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu giữ được sự ổn định trong xu hướng xuất siêu, làm sao để xuất siêu trở thành đặc điểm, tính chất tất yếu của Việt Nam trong giao thương quốc tế. Với mục tiêu này cần và phụ thuộc một số yếu tố. Trước hết, mấu chốt là hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích như các loại hàng tiêu dùng (nhất là hàng xa xỉ, cao cấp) và ô tô để hạn chế mức chi tiêu ngoại tệ. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung phát triển ngành Công nghiệp phụ trợ để từng bước đảm nhận việc cung cấp linh kiện, chi tiết cho các ngành lắp ráp, chế tạo... thay vì phải nhập ngoại.

Đáng chú ý là tác động tích cực từ việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình là CPTPP sẽ ngày càng lớn, lan tỏa và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, chủ yếu nhờ doanh nghiệp Việt được hưởng lợi thế khi thuế suất cắt giảm về 0%. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tận dụng, đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như hướng tới xuất siêu.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng cần nhận được sự quan tâm thỏa đáng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc chuyển dịch về chất lượng của nông sản xuất khẩu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa xác nhận, hoạt động xuất khẩu gạo của ta đang diễn biến tích cực, thu về kết quả khả quan, vì tạo được uy tín với bạn hàng quốc tế. Đơn cử, giá bán gạo trắng của ta đã vượt giá gạo Thái Lan 20 USD/tấn. Ngoài ra, nhiều loại rau quả, thủy sản của Việt Nam cũng đang được cải thiện mạnh về chất lượng thông qua ứng dụng công nghệ và canh tác sạch để tăng giá trị gia tăng khi xuất khẩu...

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, do độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, nên kim ngạch xuất khẩu sẽ có xu hướng gia tăng mạnh. Mục tiêu chính để có sự lành mạnh giữa xuất - nhập khẩu là tập trung các nguồn lực cho xuất khẩu để đạt được kết quả chung cuộc là kim ngạch xuất khẩu ngang bằng, hoặc lớn hơn kim ngạch nhập khẩu. Từ đó, Việt Nam kiên trì chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp "nội" cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dồn sức xuất khẩu, với mục tiêu ngày càng tăng về quy mô, kim ngạch. Mục tiêu này là đúng đắn trong khi diễn biến thực tế cũng đang thể hiện khá rõ định hướng này khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng sản xuất, thường xuyên đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động hài hòa cán cân xuất - nhập khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.