Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tăng cường phối hợp, khai thác hợp lý

Ánh Dương| 11/04/2018 07:05

(HNM) - Nhằm đưa công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản vào nền nếp, UBND thành phố và các sở, ngành, cơ quan chức năng đã và đang có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để ngăn chặn thất thoát tài nguyên, khai thác hợp lý và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…


Tăng cường phối hợp quản lý

3 tháng đầu năm 2018, Công an huyện Ba Vì đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 4 vụ khai thác đất trái phép tại địa bàn các xã Phú Sơn, Thái Hà, Ba Vì…; trực tiếp và phối hợp với lực lượng chức năng Công an thành phố tiến hành kiểm tra tại địa bàn các xã: Tản Hồng, Phú Châu, Đông Quang, phát hiện và bắt giữ 17 vụ với 27 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, tạm giữ 1 tàu cuốc, 11 tàu hút cát, 2 tàu chở cát. Tương tự, tại địa bàn huyện Phúc Thọ, từ năm 2017 đến nay, Công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng Công an thành phố kiểm tra, bắt giữ, xử lý 18 vụ vi phạm, xử phạt 1,177 tỷ đồng, tịch thu 920,53m3 cát…

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho rằng, để ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, UBND các xã, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, báo cáo UBND huyện. Đồng thời, các cấp chính quyền cùng vào cuộc, phối hợp với lực lượng chức năng, tạo sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới manh nha… Đặc biệt, việc bố trí địa điểm trông giữ, quản lý phương tiện vi phạm và công tác phối hợp của các đơn vị chức năng Công an thành phố là những yếu tố quan trọng giúp lực lượng Công an huyện thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý dứt điểm vi phạm.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu các đơn vị khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép phải ký cam kết với chính quyền địa phương cũng là một biện pháp hữu hiệu. Ông Bùi Chí Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) cho biết: Khi các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện khai thác đất, đá trên địa bàn, UBND xã yêu cầu phải ký cam kết với những nội dung: Nổ mìn đúng giờ, đúng trọng lượng theo quy định cấp phép của cấp có thẩm quyền; không để gây ô nhiễm môi trường bởi bụi, còi xe, chạy quá tốc độ, làm rơi hàng hóa ra đường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông; nghiêm cấm hành vi khai thác đất trái phép, chở đất ra khỏi địa phương…

Sau khi xảy ra vụ sạt lở đất gây chết người xảy ra tại đồi Yên Ngựa, thôn Đồng Chằm, xã Đông Xuân, UBND huyện Quốc Oai đã đình chỉ các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn huyện; chấn chỉnh UBND các xã, thị trấn trong việc tổ chức kiểm tra hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên việc kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn và chấm dứt hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Khoanh vùng, bảo vệ khoáng sản

Ngày 21-3-2018, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 1393/ QĐ-UBND, ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn TP Hà Nội. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; cụ thể hóa công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố cũng quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành chức năng trong việc xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; phối hợp, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…

Ông Nguyễn Minh Mười, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để triển khai thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngày 3-4-2018, Sở có Văn bản số 2559/STNMT-KS, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hằng năm; tổng hợp tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương, báo cáo UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường...

Ngoài ra, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng là một biện pháp thiết thực giúp tránh thất thoát nguồn tài nguyên quý giá này, tránh thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị trong việc khai thác, bảo vệ khoáng sản. Dự kiến trong năm 2018 và 2019, thành phố sẽ tổ chức thăm dò, đấu giá 26 điểm mỏ cát trên sông Hồng…

Được biết, đến nay toàn thành phố đã khoanh định được 86 mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá vôi, đá bazan, cát, sét gạch ngói, puzolan, đá ong) và than bùn; khoanh vùng cấm hoạt động khoáng sản tại 25 khu vực với tổng diện tích 209,53km2 để bảo vệ công trình quốc phòng, rừng phòng hộ, di tích lịch sử được xếp hạng và bảo vệ đê điều. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về khoáng sản năm 2017, đã phát hiện, xử lý 263 vụ, xử phạt 8,5 tỷ đồng…

Hiện tại, UBND thành phố yêu cầu các xã, thị trấn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn, xóm; phát hiện và thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tăng cường phối hợp, khai thác hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.