Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó giảm lãi suất cho vay

Thanh Hương| 11/04/2018 14:42

(HNMO) - Năm 2018, ngành Ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, 1/4 chặng đường đã qua nhưng việc giảm lãi suất chưa như mong muốn.


Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thời điểm tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. Như vậy, các mức lãi suất này hầu như giữ nguyên so với mức lãi suất thời điểm cuối năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước công bố theo tuần.

Ảnh minh họa từ internet


Còn nhớ, vào hồi đầu năm 2018, nói về việc điều hành lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, NHNN sẽ cân nhắc phối hợp đồng bộ công cụ điều hành về thời điểm, bối cảnh, bám sát diễn biến vĩ mô như tăng trưởng, thanh khoản hệ thống, tỷ giá, hoạt động của các tổ chức tín dụng để đưa ra giải pháp điều hành phù hợp, tiến tới phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Từ đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và gợi mở của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Thống đốc Lê Minh Hưng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng ngày 9-1, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, thậm chí cả VPBank đã công bố giảm 0,5-1% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất mới chỉ dừng lại ở đó, tức chỉ ngân hàng lớn, hầu như ngân hàng trung và nhỏ chưa vào cuộc.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I, lãi suất huy động VND có biến động, tăng nhẹ nhưng mặt bằng vẫn tương đối ổn định do các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình thu hút vốn tiền gửi thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, có ngân hàng tăng lãi suất huy động VND lên mức khá cao: 8,5%/năm. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này chỉ mang tính cục bộ, chu kỳ, một số ngân hàng tranh thủ thanh khoản tốt, lượng tiền trong lưu thông khá dồi dào nên đẩy mạnh hút vốn huy động để phục vụ tăng trưởng tín dụng cho những tháng tới.

Dù sao, việc tăng lãi suất huy động này ảnh hưởng đến giảm lãi suất cho vay bởi chi phí cho huy động vốn tăng lên. Cần biết rằng, một trong những yếu tố để lãi suất cho vay giảm là lãi suất huy động giảm. Lãi suất huy động tăng sẽ khiến biên độ lợi nhuận thấp, khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực nhìn nhận, năm nay dư địa giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay rất hạn hẹp. Nguyên nhân là bởi, theo ông, áp lực lạm phát tăng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,9%; trong đó, CPI tháng 2 tăng mạnh. Diễn biến trên là đúng quy luật bởi Tết rơi vào tháng 2 nhưng CPI 2 tháng ở mức trên là cao. Dù CPI tháng 3 giảm nhưng việc kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra trong năm nay là khá khó khăn.

Biên độ chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra bằng VND ở Việt Nam đang là khoảng 2,8%, thấp so với nhiều nước khu vực. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay khó giảm còn bởi phải giảm lãi suất đầu vào, mà nếu giảm lãi suất đầu vào thì nhiều người có thể sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn kênh tiền gửi, lúc đó sẽ không tốt cho thanh khoản của hệ thống. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn vì năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%; đồng thời tổ chức tín dụng cũng cần tăng huy động trung dài hạn để đáp ứng lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Chuyên gia này cũng cho rằng, lãi suất hiện không phải là điểm cản trở với doanh nghiệp. Tín dụng năm 2017 tăng tới 18% đã cho thấy điều đó. Lãi suất cho vay có giảm chủ yếu giảm ở lĩnh vực ưu tiên chứ không phải giảm đại trà.

Vì vậy, theo ông, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần có nhiều biện pháp khác. Chẳng, hạn, phải ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, qua đó giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tăng cường vai trò của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các hiệp hội; tăng khả năng kết nối khối doanh nghiệp với nhau…

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp vẫn tốn khá nhiều chi phí cho việc “bôi trơn”. Thậm chí có doanh nghiệp, các khoản chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Những ngày vừa qua, báo chí phản ảnh việc cán bộ thuế vòi vĩnh nhận tiền doanh nghiệp, hay cảnh “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan đã cho thấy ít nhiều về điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó giảm lãi suất cho vay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.