Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có biện pháp mạnh

Hoàng Minh| 12/04/2018 07:21

(HNM) - Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý, song không ít ô tô hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định vẫn tham gia giao thông.

Xe "quá đát" dạt về vùng sâu

Thống kê mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), đến ngày 1-1-2018, cả nước có gần 24.500 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó có 2.632 xe khách và 21.807 xe tải. Chỉ tính riêng TP Hà Nội có hơn 3.000 xe khách, xe tải hết niên hạn sử dụng; TP Hồ Chí Minh gần 5.500 xe. Tính lũy kế từ trước đến nay, cả nước có hơn 162.600 xe ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó gần 117.000 xe tải và 45.760 xe khách.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý một xe ô tô hết niên hạn sử dụng.


Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định, khi hết niên hạn sử dụng, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ phương tiện phải gửi giấy đăng ký cho cơ quan công an và không được phép tham gia giao thông, song, dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động và gửi thông báo đề nghị giao nộp giấy đăng ký phương tiện, biển kiểm soát, nhưng rất ít người tự nguyện giao nộp, còn hầu hết không hợp tác. Không ít trường hợp trước kỳ kiểm định cuối đã trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm, đưa phương tiện về các vùng sâu, vùng xa, miền núi lén lút lưu thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý.

Tìm hiểu tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mặc dù công an các huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không được lưu thông xe "quá đát"; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp đưa phương tiện này vào sử dụng. Song, tình trạng người dân sử dụng xe hết niên hạn tham gia giao thông trên địa bàn vẫn còn. Đáng nói, nhằm qua mặt cơ quan chức năng, một số đối tượng còn sử dụng người “cảnh giới” và chỉ hoạt động khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Việc xử lý còn nhiều khó khăn


Nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để xe hết niên hạn hoạt động, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành chế tài xử lý, gắn trách nhiệm cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý xe hết niên hạn sử dụng. Điều 16, Nghị định 46/2016/ NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng. Theo đó, các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý phương tiện vi phạm theo đúng quy định, rà soát, thống kê danh sách những xe hết niên hạn trên địa bàn để trong quá trình làm nhiệm vụ chủ động phát hiện, xử lý...

Chỉ đạo rõ ràng là vậy, song đến nay số xe ô tô "quá đát" trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung được xử lý vẫn rất ít.

Nói về những khó khăn, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động, Công an huyện Chương Mỹ cho biết: Hằng năm, Công an huyện chỉ đạo các đồn, công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý. Song, khó khăn nhất hiện nay là chủ phương tiện sử dụng xe hết niên hạn tìm mọi cách lẩn tránh lực lượng chức năng. Thứ hai, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, chứ không được tịch thu xe, vì đó là tài sản của người dân, nên khi trả lại xe cho người dân, không ít trường hợp lắp biển số giả, sử dụng giấy tờ giả vào để lưu thông…

Trong khi đó, ông Chu Văn Giang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động, Công an huyện Đan Phượng cho biết, đa phần xe hết niên hạn sử dụng không chính chủ, dẫn đến việc xác minh phương tiện hết niên hạn để xử lý là rất khó.

Việc các xe ô tô "quá đát" lưu thông sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hết niên hạn sử dụng gây ra. Để xử lý triệt để tình trạng này, các ngành chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm nếu chủ phương tiện cố tình đưa xe hết "đát" vào lưu thông. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần siết chặt việc chuyển chủ sở hữu phương tiện; gắn trách nhiệm đối với chính quyền cấp xã, thôn trong việc kiểm tra, phát hiện xe hết niên hạn sử dụng tại địa phương mình.

Theo Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ quy định niên hạn đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, thời điểm tính niên hạn sử dụng ô tô được tính từ năm sản xuất xe, không quá 25 năm với ô tô chở hàng; không quá 20 năm với xe chở người; không quá 17 năm với xe ô tô chuyển công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1-1-2002. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.