Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng dẫn trồng ổi Đông Dư

Hoàng Thị Hòa| 14/04/2018 08:09

(HNM) - Để giúp các địa phương nhân rộng sản xuất ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc giống ổi Đông Dư như sau:


Đối với cây giống: Phải chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận. Cây giống phải khỏe, không bị sâu bệnh. Ổi thường trồng sau hơn một năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Ổi Đông Dư là cây trồng lâu năm nên hiệu quả kinh tế cao.

Thời vụ gieo trồng: Thời gian trồng thích hợp vào đầu mùa mưa (tháng 5, tháng 6); thực hiện việc trồng kép 2 cây ở một gốc, mật độ trồng: 100-105 gốc/1.000m2. Phương pháp này mang lại lợi nhuận kép, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tăng năng suất thành phẩm.



Yêu cầu đất và đào hố trồng: Đất trồng ổi phải là đất tơi xốp, thoáng, giữ nước tốt, tầng canh tác dày trên 50cm, đặc biệt đất phù sa rất tốt cho cây ổi đạt năng suất cao, quả ngon. Khi trồng cần tuân thủ nghiêm túc theo quy cách kỹ thuật: Hố trồng có đường kính khoảng 20cm, chiều sâu 20cm, cây cách cây và hàng cách hàng khoảng 3,5m x 4,5m, hố vuông hình khối: 50cm x 50cm x 50cm, hố cách hố 3m x 4m. Khi đào, lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới trộn với phân chuồng, vôi bột, lân sau đó lấp hố cao hơn mặt đất 20-30cm. Sau khi đào hố, cần bón lót mỗi hố 5kg phân chuồng hoai mục, 1kg phân hữu cơ sinh học và một số loại phân bón khác cùng với vôi, đảo đều với đất bột (khoảng 2/3 độ sâu hố), sau đó đặt cây và cho đất bột lên trên, độ dày 10-15cm. Khi trồng, tiến hành đào lỗ giữa mô, đặt bầu cây con xuống sao cho mặt bầu cao hơn mặt mô 3-5cm. Sau đó dùng đất vun tới mặt bầu, lèn nhẹ và tưới nước. Khi đặt cây, phải cắm cọc cố định thân để cây khỏi bị tác hại của gió.

Kỹ thuật chăm sóc định kỳ: Đầu tiên phải tiến hành tưới nước, lúc này ổi cần cung cấp đủ nước cho cây, nhất là trong mùa khô, khi quả đang lớn và lúc sắp chín. Cần phòng trừ cỏ dại bằng việc phủ gốc bằng rác, phân xanh và xới phá váng sau mỗi trận mưa to; làm cỏ vụ xuân vào tháng 1, tháng 2 và vụ thu hoạch tháng 8, tháng 9; xới sạch một lần/vụ; một năm xới gốc từ 2 đến 3 lần.

Cùng với việc tưới nước cần tạo tán, tỉa cành, bấm đọt để giúp ổi tạo nhiều cành đậu quả, tán cây chỉ cao khoảng 1,4-1,5m để dễ quản lý sâu bệnh và thu hoạch. Sau khi trồng khoảng 3 tháng, từ thân cây ra những tược mới (cành cấp I), để dài khoảng 0,8-1m. Khi vỏ tược ở độ bánh tẻ, cắt bỏ 1/2 chiều dài tược, tạo tiền đề khung tán thấp cây sau này. Sau khi cắt đọt, mỗi cành cấp I bị cắt sẽ đâm ra 2 tược mới ở nách cặp lá gần vết cắt và từ thân cây, các tược khác sẽ đâm ra mạnh mẽ. Chờ cho các cành cấp II này hình thành lại cắt đọt, tiếp tục việc tạo tán. Tính từ gốc tược thứ 2 trở lên, cắt ở vị trí trên 4-5 cặp lá hoặc tính từ mặt đất lên khoảng 1,2m là vừa. Đợt ra tược thứ 3 (ra cành cấp III) sẽ tốn ít thời gian hơn và đợt tược này ở vị trí nách cặp lá thứ 4 hoặc thứ 5 sẽ ra 1-2 cặp nụ hoa, tiến hành tỉa bỏ những chồi nhỏ yếu, chỉ giữ lại mỗi cây 3-4 cành cấp I, 8-10 cành cấp II và hệ thống cành cấp III đều các hướng. Lúc này, tiến hành bấm ngọn tược thứ 3 ngay vị trí phía trên cặp trái ổi non đã đậu và tỉa các trái dư. Sau một thời gian ngắn, ở nách các cặp lá cành cấp II và cấp III sẽ mọc các chồi mới có quả, tiếp tục bấm đọt những chồi mới ở vị trí trên cặp trái nhỏ như đã làm ở trên…

Khi chăm sóc, phòng trừ bệnh cho ổi, nông dân cần lưu ý bệnh nấm Glomerella cingualata làm cho quả đang lớn ngừng sinh trưởng và đen lại do bị bào tử nấm phủ kín. Sâu trên cây ổi cũng khá nhiều nên cần luân canh, tăng cường bón phân, tưới nước. Tháng 6, tháng 7, khi ổi chín, cùi mềm, thường bị ruồi đục quả Dacus dorsalis đến đẻ, giòi đục luỗng, quả không ăn được, tỷ lệ bị hại đôi khi tới 70-80% số quả chín, cần thu hoạch kịp thời khi quả đã đạt độ chín thích hợp; đồng thời, nhặt những quả chín rơi vãi đem xử lý với những quả khác (đu đủ, cam, xoài…) bị con ruồi này phá hại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn trồng ổi Đông Dư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.