Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị

T.Hương| 03/05/2018 20:38

(HNMO) - Tại buổi họp báo Chính phủ tối 3-5, nhiều vấn đề nóng đã được báo chí quan tâm như: Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt trên cao; bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc và hệ lụy; việc chốt phương án BOT Cai Lậy...

Tại buổi họp báo Chính phủ tối 3-5, nhiều vấn đề nóng đã được báo chí quan tâm như: Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt trên cao; bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc và hệ lụy; việc chốt phương án BOT Cai Lậy...


Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý kiến của Chính phủ liên quan việc TP Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây dựng 3 tuyến đường sắt trên cao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay vấn đề quy hoach đô thị, sắp xếp trật tự đô thị, giảm tải ùn tắc giao thông, đặc biệt với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được Chính phủ cũng như chính quyền các cấp quan tâm, có nhiều giải pháp quyết liệt về bố trí phân bổ vốn, huy động nguồn lực xã hội hóa…

Chính phủ đã nghe TP Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) - là cơ quan thẩm định, báo cáo về 2 tuyến đường sắt điều chỉnh mức đầu tư tại TP Hồ Chí Minh. Còn TP Hà Nội, theo chương trình sẽ báo cáo Chính phủ về tuyến đường sắt số 2 từ Nam Thăng Long về phố Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, TP Hà Nội chưa hoàn thiện các thủ tục và Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thẩm định dự án, chưa nhận đủ hồ sơ. Do đó, Chính phủ chưa có điều kiện xem xét việc này.

Đây là công việc quan trọng trong giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, vấn đề cần tập trung tại các thành phố. TP Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ báo các cơ quan chức năng, các thông tin cơ chế huy động nguồn lực, để chính quyền các cấp thẩm định. Từ đó, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội.


Quy hoạch Thủ Thiêm không dựa vào bản đồ thất lạc

Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý kiến của Chính phủ với việc bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị thất lạc và hệ lụy của việc thất lạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nói: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu và phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh để làm rõ, khi có kết quả cụ thể sẽ thông báo đến công luận”.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh: Vnexpress


Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, theo quy trình, khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai theo hai bước là triển khai theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, trong đó quy hoạch chung xuất bản bản đồ 1:5000 và quy hoạch chi tiết xuất bản bản đồ 1:2000, sau đó là cụ thể hóa và phân giới đóng mốc trên thực tiễn. Quy hoạch sau chính xác hóa của quy hoạch trước.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được hai lần quy hoạch, lần thứ nhất quy hoạch chung năm 1996, lần hai điều chỉnh quy hoạch năm 2005. Như vậy, khu đô thị Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ.

Hiện nay quá trình triển khai dự án xác định ranh giới thu hồi mặt bằng thực hiện theo quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005, tất cả bản đồ cũng như cơ sở pháp lý từ 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và xác định ranh giới đều có đầy đủ và đang triển khai dự án thu hồi.

Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996. Bản đồ này về pháp lý đã được xây dựng lại năm 2005.

Giữ BOT Cai Lậy, giảm phí là phương án tối 
ưu

Liên quan đến câu hỏi về việc Thủ tướng đã chốt phương án BOT Cai Lậy chưa? Nếu có phương án rồi thì đó là phương án như thế nào?, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ đã trình Chính phủ 5 phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án và lượng hóa thành thời gian thu phí, sau đó đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT sẽ chủ trì với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định 1 trong 2 phương án mà Bộ GT-VT đã trình.

Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu, như từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng đối với xe con. Đây là phương án ưu việt nhất trong bối cảnh hiện tại, ít xáo trộn nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của Cai Lậy và ít tác động tiêu cực tới việc ô nhiễm môi trường ở khu vực.

Phương án 2, đặt thêm một trạm trên đường tránh và song song thu phí hai trạm, khi hoàn vốn cho quốc lộ 1 thì dỡ trạm trên quốc lộ 1 và khi hoàn vốn trên đường tránh sẽ dỡ bỏ toàn bộ trạm.

"Tuy nhiên, sau khi so sánh 2 phương án, chúng tôi thấy phương án 1 là ưu việt. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ thực hiện, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang tính toán chi tiết về thời gian, dự thu và sẽ thông báo rộng rãi tới người dân”, Thứ trưởng Bộ GT-VT nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.