Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu khả quan

Thanh Hiền| 07/05/2018 06:56

(HNM) - Sau hơn 7 tháng triển khai, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” bước đầu đã đạt được kết quả khả quan.

Cửa hàng kinh doanh trái cây được gắn biển nhận diện luôn cung cấp hàng hóa bảo đảm chất lượng. Ảnh: Quang Phú


Hơn 520 cửa hàng được cấp biển nhận diện

Theo Sở Công Thương, đến nay đã có hơn 520/941 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của đề án, được UBND các quận cấp biển nhận diện. Một số quận có tỷ lệ gắn biển đạt cao như quận Hai Bà Trưng (72%); Thanh Xuân (71%); Nam Từ Liêm (68%); Đống Đa (64%)... Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 12 quận đã xây dựng được 16 tuyến phố (riêng quận Hà Đông có 5 tuyến) không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.

Là một trong bốn quận thí điểm triển khai đầu tiên, tính đến thời điểm này quận Cầu Giấy đã cấp biển nhận diện cho 50/115 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn (vượt chỉ tiêu thành phố giao là 44 cửa hàng). Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, đối với những cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của đề án, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các phường hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm để sớm đủ điều kiện được cấp biển nhận diện. Quận phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng được cấp biển theo quy định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Long Biên, tính đến hết tháng 4, quận đã gắn biển cho 44/71 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ yêu cầu của đề án. Đáng chú ý, số cơ sở đã được cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm đạt 100% (71/71 cơ sở).

Ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng Luôn tươi sạch đã được gắn biển nhận diện, cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của đề án, đơn vị đã cử toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên đi tập huấn các nội dung, sau đó làm việc với các đơn vị cung cấp, nhà nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng nhờ được gắn biển, mà người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn, doanh thu của cửa hàng nhờ thế đã tăng 30-50% so với khi chưa được cấp biển.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Đánh giá về kết quả triển khai đề án, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đề án thí điểm bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây thiếu ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Không ít cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn chưa ý thức việc được cấp logo nâng tầm giá trị thương hiệu cửa hàng, nên dù đạt tiêu chuẩn cấp song lại từ chối. Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng vẫn còn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng trái cây, tạo cơ hội cho các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè... tiếp tục tồn tại.

Thời gian tới, để đề án triển khai đúng tiến độ, đạt mục tiêu đến hết năm 2018, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận được cấp biển nhận diện, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, UBND các quận đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng nhận diện.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh; phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai quy trình xác thực “Chống hàng giả” để quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh tại Hà Nội…

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3-4 đối với cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn...

Cũng theo đại diện Sở Công Thương, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các cửa hàng, hộ kinh doanh trái cây nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm, thành phố cũng tăng cường quản lý để bảo đảm các cơ sở luôn chấp hành đúng cam kết. Theo đó, cửa hàng nào vi phạm sẽ bị xử phạt nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu khả quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.