Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chìa khóa” tăng năng suất lao động

Minh Ngọc| 16/05/2018 06:56

(HNM) - Năng suất lao động ở nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, nếu không có biện pháp tổng thể kích thích tăng năng suất lao động, nước ta khó duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Các doanh nghiệp cần chủ động cải thiện quan hệ lao động, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Ảnh: Nhật Nam


Tăng nhanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Nghiên cứu thị trường lao động Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ rõ, năng suất lao động ở nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năng suất lao động bình quân đạt 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 tăng lên 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 3,29% giai đoạn 2006-2012 lên 5,3% giai đoạn 2012-2017. Các ngành có năng suất lao động tương đối cao là khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, khoa học và công nghệ, bất động sản… Tuy vậy, những ngành thu hút nhiều lao động như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, điện, nước, khí đốt, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản,… có năng suất lao động thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. “Nếu không sớm đưa ra giải pháp tạo đà, kích thích tăng trưởng năng suất lao động, năng suất lao động của Việt Nam sẽ không theo kịp các nước trong khu vực và quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực khó thích ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, càng khó đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội”, ông Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cảnh báo.

Năng suất lao động ở nước ta có sự tăng trưởng tương đối nhanh, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển vì rất nhiều nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trong những năm gần đây, năng suất lao động được cải thiện chủ yếu nhờ dịch chuyển cơ cấu lao động từ những khu vực, ngành nghề có năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao, còn nội bộ từng ngành chưa tăng năng suất. Đó là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng ở nước ta, sự dịch chuyển này diễn ra ồ ạt, khó kiểm soát, khiến năng suất lao động tăng trưởng thiếu bền vững, thậm chí có thể để lại hậu quả tiêu cực. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ lao động ở nước ta, nhất là lao động trẻ đang làm những việc không đúng chuyên môn được đào tạo, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định,… khiến họ khó tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để tăng năng suất lao động trong tương lai.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn chứng, theo cơ cấu lao động, việc làm, lao động ngành Nông nghiệp được xác định chiếm tới hơn 40% tổng số lao động xã hội. Song, kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khẳng định, hiện nay, nước ta chỉ có khoảng 30% lao động ngành Nông nghiệp làm nông nghiệp toàn thời gian, 40% đang làm công ăn lương ngoài ngành nông nghiệp, số còn lại chưa xác định rõ. Trong khi đó, các chính sách tác động đến lao động, việc làm ngành Nông nghiệp đều được tính toán theo tỷ lệ 100% lao động làm nông nghiệp, nên khó phát huy hiệu quả toàn diện. Mặt khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có quy mô được coi là đầu tàu của nền kinh tế đang có tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn tốc độ tăng trưởng nói chung cũng dẫn đến tốc độ tăng năng suất lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện và bền vững.

Tạo nền tảng vững chắc


Khẳng định năng suất lao động là yếu tố then chốt, là nền tảng vững chắc tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chuyên gia khuyến nghị Nhà nước và các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kích thích tăng năng suất lao động.

Ông Nguyễn Đức Thành mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng chính sách đào tạo nghề phù hợp, đặc biệt với lao động thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, bảo đảm cho lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Đối với nội bộ từng ngành, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các ngành tự đổi mới, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cần được tính toán để trở thành công cụ hỗ trợ người lao động, phù hợp với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động.

Theo ông Vũ Minh Khương, Trường Quản lý công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, các ngành kinh tế, trực tiếp là các đơn vị, doanh nghiệp ở Việt Nam nên thiết kế chiến lược, giải pháp phát triển theo chiều sâu, thay vì theo chiều rộng như hiện nay. “Không nên thấy du lịch phát triển thì xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng khắp nơi; thấy ngành may mặc có nhiều cơ hội phát triển ở địa phương này thì xây thêm nhà máy ở địa phương khác. Sự phát triển thiếu sự tính toán cẩn trọng, khoa học sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa” - ông Vũ Minh Khương khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Mai Huy Tân, nguyên là người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt khẳng định, đào tạo nghề trực tiếp tại các doanh nghiệp, nhà máy là con đường ngắn và hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động. Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt, 100% lao động phổ thông được đào tạo trực tiếp tại nhà máy bởi các chuyên gia Đức. Sau đào tạo, những người thợ này có năng suất lao động tương đương với lao động người Đức. Do đó, nên quan tâm đến chính sách dạy nghề trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp chủ động cải thiện quan hệ lao động; phát huy tốt vai trò của các tổ chức công đoàn, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Qua đó có thể khẳng định, việc thấu hiểu thị trường và quan hệ lao động chính là “chìa khóa” để các ngành, đơn vị, doanh nghiệp tăng năng suất lao động theo hướng hiệu quả, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chìa khóa” tăng năng suất lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.