Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo Tin tức| 27/05/2018 16:33

Trên cơ sở 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính vừa rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản và kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.


Động thái này được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.


Theo đó, trong tổng số 370 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), Bộ Tài chính đã đề nghị bãi bỏ 99 ĐKKD; đề nghị đơn giản hoá là 94 ĐKKD (đạt 52,2% theo yêu cầu). Trong số các điều kiện đề xuất cắt giảm, đơn giản, lĩnh vực chứng khoán cao nhất với 78 điều kiện; tiếp đó là tài chính ngân hàng với 29 điều kiện; bảo hiểm là 28 điều kiện; lĩnh vực giá với 21 điều kiện; kế toán - kiểm toán là 19 điều kiện; hải quan 16 điều kiện và lĩnh vực thuế chỉ có 2 điều kiện.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã tiên phong cải cách từ năm 2014 đến nay, với hàng nghìn thủ tục hành chính được rà soát cắt giảm và đơn giản hóa, nên còn ít dư địa để cắt giảm tiếp. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản 193 điều kiện kinh doanh các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

“Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, việc đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện kinh doanh trong 7 lĩnh vực, chiếm 52,2% đã thể hiện những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ - những đối tượng còn hạn chế về nhiều nguồn lực. Theo đó, doanh nghiệp không phải tốn chi phí, nguồn lực để thực hiện những thủ tục không cần thiết nữa. Mặt khác, việc gỡ bỏ một số rào cản trong quá trình gia nhập thị trường sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các thị trường trong lĩnh vực tài chính. Bộ Tài chính cần sớm ban hành các văn bản pháp luật để triển khai phương án đề xuất trên”, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ về yêu cầu phải cắt giảm 50% ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Tài chính là bộ quản lý nhiều lĩnh vực đặc thù, nhiều lĩnh vực quan trọng có chuyên môn tương đối sâu như thuế, kế toán, định giá…

Đại diện VCCI cũng nêu ví dụ: Nếu cắt giảm những ĐKKD thuộc lĩnh vực giao thông vận tải chỉ tác động đến một bộ phận doanh nghiệp vận tải ô tô; hay cắt giảm những ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng chỉ ảnh hưởng đến số ít những doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD trong lĩnh vực thuế, chắc chắn có một diện rất lớn các đối tượng được thụ hưởng, bao gồm gần 700 nghìn doanh nghiệp hoạt động chính thức, hơn 2 triệu hộ kinh doanh và rất nhiều người nộp thuế khác. Hay cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD trong lĩnh vực hải quan sẽ tác động đến khu vực có giá trị gần gấp đôi GDP của Việt Nam, vì hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có giá trị hơn 170% GDP…

“Những điều trên cho thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD trong lĩnh vực tài chính có một diện đối tượng rất lớn được thụ hưởng những lợi ích từ việc cắt giảm những ĐKKD này. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh rất trông chờ vào kế hoạch triển khai các phương án đề xuất này đi vào thực tế”, ông Tuấn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cắt giảm 193 điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.